Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp 1919-1923 (phần 3) : Những bước đầu học « làm chính trị »

Như đã nêu ở phần trước, cuối năm 1917, anh Văn Ba đặt chân đến nước Pháp.  

Vậy cộng đồng người Việt Nam tại Pháp lúc bấy giờ ra sao ?

            Những năm trước và đầu thế kỷ XX, một số người Việt Nam đã sang sinh sống và làm việc tại nước Pháp. Họ thuộc các thành phần theo chồng Pháp hoặc là những người giúp việc trong gia đình Pháp ở Đông Dương nay theo chủ trở về nước, một số nhỏ sinh viên, trí thức, tiểu thương, thủy thủ… Đây là khởi thủy của cộng đồng người Việt tại Pháp ngày hôm nay. Lúc ấy họ sống rải rác nhiều nơi trên đất Pháp, số lượng khoảng vài trăm người, đông nhất là ở các hải cảng Marseille, Le Havre, Bordeaux hoặc những nơi có trường học như Paris, Montpellier, Toulouse,… Nhưng họ vẫn chưa có sự liên hệ với nhau, chưa tập hợp thành một hội đoàn. Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, số lượng người Việt nhảy vọt lên xấp xỉ 100 ngàn người, phần lớn là bị bắt sang để phục vụ cho chiến tranh.

       Đầu năm 1912, nhà yêu nước Phan Châu Trinh, với uy tín của mình, đã thành lập Hội người An Nam yêu nước do ông Phan Văn Trường làm Hội trưởng (có tài liệu ghi là Hội đồng bào tương ái) ra đời ngày 18-01-1912, với mục đích là giúp đỡ nhau trong cuộc sống và học tập. Có thể nói, hội đoàn này thực sự là chỗ dựa cho người Việt Nam trên đất Pháp lúc bấy giờ.

       Cụ Phan là một nhà yêu nước chân thành, nổi tiếng ở Việt Nam và ở nước ngoài. Còn ông Trường, học đến tiến sĩ luật học, một học vị rất cao và hiếm có thời đó trong giới người Việt Nam, làm nghề luật sư ở Paris, nhưng không có văn phòng tư. Ông giỏi tiếng Pháp, vào quốc tịch Pháp, có quen biết nhiều nhà trí thức và chính trị gia Pháp.

       Chính quyền Pháp lo ngại những hoạt động của Hội người An Nam yêu nước và đã tìm cách ngăn cản những hoạt động của Hội. Họ vu cho hai ông Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh có quan hệ với Đức, « âm mưu chính trị chống nước Pháp ». Tháng 9-1914, Chính phủ Pháp đã bắt giam cụ Phan Châu Trinh ở nhà tù Santé, quận 14 Paris và ông Phan Văn Trường ở nhà tù Cherche-Midi cũng ở quận 14 Paris và cấm Hội người An Nam yêu nước hoạt động. Sự kiện này đã làm cho nhiều người Pháp tiến bộ phản đối. Hội nhân quyền tại Pháp (đã từng vận động cho cụ Phan Châu Trinh thoát khỏi tù đày ở Côn Đảo năm 1910) và nhiều chính khách thuộc Đảng xã hội Pháp đã can thiệp. Vì thế, sau hơn 10 tháng ngồi tù, tháng 7-1915, chính quyền Pháp buộc phải trả lại tự do cho hai ông.

       Sau khi được trả tự do, để tránh nhà cầm quyền Pháp kiếm cớ bắt giam trở lại, hai ông đã tránh hoạt động công khai. Vì thế Hội người An Nam yêu nước vẫn không hoạt động trở lại. Đến năm 1917, khi người Việt Nam ở Pháp đã tăng lên với số lượng lớn thì cuộc đấu tranh cho vấn đề bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam ngay trên đất Pháp được đặt ra ngày càng cấp thiết. Tuy vậy, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường vẫn chưa quyết định cho Hội hoạt động công khai trở lại.

       Mặc dù được trả tự do nhưng do Bộ thuộc địa Pháp cắt khoản trợ cấp, Phan Châu Trinh phải kiếm sống bằng nghề thợ ảnh do ông Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký) truyền dạy. Ông Khánh Ký tên thật là Nguyễn Văn Xuân, quê ở Nam Định, sang Pháp đã lâu, mở tiệm ảnh ở Tarbes – miền Nam nước Pháp. Ông đã truyền lại nghề ảnh cho cụ Phan Châu Trinh, giúp cụ Phan lấy nghề này để kiếm sống.

       Ông Phan Văn Trường thuê ngôi nhà số 6, Villa des Gobelins, ở quận 13 Paris và mời cụ Phan Châu Trinh đến ở chung. Nơi đây trở thành điểm gặp gỡ của nhiều người Việt Nam. Có những lúc,  bà con đến chơi, ăn ngủ liền mấy ngày.

            Đến Paris, anh Văn Ba đã ở một số nơi : phố Charonne quận 11, sau đó ở số 10 phố Stockholm quận 8, số 56 phố Monsieur le Prince quận 6, trước khi về nhà ông Phan Văn Trường vào tháng 7-1919. Nhưng từ khi đặt chân lên đất Pháp, anh vẫn thường xuyên lui tới Villa des Gobelins.   

            Lúc này anh không còn là Văn Ba nữa, mà là Nguyễn Tất Thành, vì đó là cách anh xưng hô với cụ Phan Châu Trinh.

            Lúc đầu anh học và làm nghề rửa ảnh giúp cụ Phan, nhưng để có cuộc sống tối thiểu cũng phải có sự giúp đỡ thêm về mặt tài chánh của cụ và của ông Khánh Ký. Sau 6 năm bôn ba góc biển khắp chân trời, nay anh đã đến ngay thủ đô của một nước đang thống trị Việt Nam, là nước của Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Anh được tiếp xúc với nhiều người Việt. Trong những năm qua, anh rất ít có cơ hội nói tiếng Việt, nay anh như được trở về giữa lòng đồng bào mình. Anh nói với họ về quê hương, về sự tàn ác của bọn thực dân trên những nơi anh đã đi qua và nỗi khổ của nhân dân thuộc địa. Anh khêu gợi mọi người cần phải làm một cái gì cho đất nước mình. Thời gian ấy, mọi người đều gọi anh bằng cái tên « Anh Nguyễn ».

            Hàng ngày anh đi bộ từ đường Gobelins lên phố Monge và nhiều nơi trong khu Quartier Latin ở quận 5 Paris, nơi có đông người Việt Nam ở, tìm gặp bà con kiều bào để tuyên truyền tinh thần yêu nước. Anh thường xuyên đến những quán bán báo đường Saint-Michel đọc nhờ mấy tờ báo từ Đông Dương gửi sang để theo dõi tình hình nước nhà, lui tới thư viện Sainte Geneviève trên đường đến điện Panthéon để đọc sách. Anh kiếm cách tiếp xúc với những thủy thủ Việt Nam về Paris chơi và hỏi chuyện công ăn việc làm của họ cũng như về tình hình nước nhà.

            Nhưng với thời gian và qua trao đổi, điều mà anh băn khoăn hỏi hai người đàn anh họ Phan lúc đó là làm gì cho đất nước thì không được câu trả lời thỏa đáng, rõ ràng đối với anh.

             Lúc này, anh từng bước đã thấy rõ lập trường của hai người : Phan Châu Trinh cực lực phê phán quan lại Nam Triều, chủ trương « ỷ Pháp cầu tiến bộ » (dựa vào Pháp để mong được tiến bộ), tranh đấu cho dân chủ tự do, nhưng không đả động gì tới ách thống trị của thực dân. Cụ luôn luôn cho rằng nguyên nhân mọi sự đau khổ của nhân dân ta là do bọn quan lại phong kiến hại dân mọt nước, chứ không phải do thực dân Pháp. Dân ta có thể dựa vào Pháp để cầu tiến bộ và cụ tin ở Chính phủ Pháp sẽ mang lại một số cải cách cho nhân dân Việt Nam.

            Còn về phía ông Phan Văn Trường, ông này có xu hướng chính trị tiến bộ nhưng còn phân vân vì là người thấm nhuần luật pháp của Pháp nên không khỏi nghĩ rằng bản chất chế độ hiện tại của nước Pháp có nhiều điểm tốt. Đồng thời, vì có quan hệ với các nhà chính trị gia Pháp nên lúc ấy cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi quan niệm « Nước Đại Pháp » trong giới chính trị thời bấy giờ. 

            Ngoài những bất đồng ý kiến với hai vị đàn anh, ngoài công việc hàng ngày để kiếm sống, anh Nguyễn vẫn tiếp tục tìm hiểu xã hội Pháp như anh đã từng làm ở Harlem Nữu Ước cách đây mấy năm về trước. Anh vào những khu nghèo nàn của Paris. Anh khám phá ra rất nhiều nơi không có ánh sáng của đèn dầu, những chiếc xà lan chở than, chở củi nối đuôi nhau trên sông Seine với những người khuân vác mặt mày lem luốc, thấy những bà nội trợ xếp hàng đứng chờ lấy nước ở những vòi nước công cộng, tay cầm những xô bằng gỗ.

            Và anh cũng để ý đến một số người Pháp đã đến giúp họ. Anh được biết đấy là những người của Đảng xã hội Pháp, một tổ chức ở Pháp bênh vực quyền lợi của người lao động.

            Từ đó, anh tìm đến các cuộc mít tinh, hội họp, diễn thuyết do Đảng xã hôi tổ chức. Anh nghe những diễn giả nêu lên những vấn đề bất công trong xã hội. Và những lần đi nghe nói chuyện ấy, anh có dịp làm quen với những cán bộ của Đảng xã hội, trong số đó có ông Paul Vaillant Couturier.

            Paul Vaillant Couturier kém anh hai tuổi. Là thương binh trong chiến tranh được Huân chương quân đội, Paul còn là một nhà văn, nhà báo, đã từng làm nhiều bài thơ và vẽ hàng chục bức tranh được trưng bày. Ông thuộc cánh tả Đảng xã hội, là một nghị sĩ trẻ trong Quốc hội Pháp. Paul đã giới thiệu anh với Marcel Cachin, một nhà cách mạng nổi tiếng và với nhà văn hào Henri Barbusse. Anh còn quen biết với nhiều nhà hoạt động công đoàn như Gaston Montmousseau, chủ bút báo La Vie ouvrière (Đời sống thợ thuyền), với nhà báo Jean Longuet, chủ nhiệm báo Le Peuple (Dân chúng). Tất cả những người bạn mới ấy đều quan tâm và đồng tình với nguyện vọng của anh đối với đồng bào mình và đã giúp anh rất nhiều, cho anh những lời khuyên, chỉ cho anh những bài học về « nghề làm chính trị ».

             Đối với anh, thật là một niềm phấn khởi trong những sự quen biết ấy : anh đã thấy trên đất Pháp có rất nhiều người Pháp và một chính đảng Pháp thấu hiểu được hoàn cảnh bị áp bức của dân tộc anh. Và năm 1919, anh đã tham gia vào Đảng xã hội Pháp. Đấy là một trong những người Việt Nam đầu tiên tham gia vào một chính đảng phái tả của Pháp.

            Mùa đông đầu tiên sau chiến tranh ở Paris hết sức khắc nghiệt. Nhân dân Pháp phải sống trong chế độ phát phiếu lương thực trên các mặt hàng thiết yếu như đường, than và bánh mì.. Nạn đầu cơ hoành hành làm cho đời sống người lao động thêm khổ cực. Đến lượt Pháp, nước thắng trận, đã lấy đi hàng vạn tấn than của vùng Rhur, nơi Pháp chiếm đóng bên Đức chở bằng đường thủy về Paris. Ban đêm vẫn thi hành lệnh giới nghiêm và sáng ra, người ta phải xếp hàng dài trước các cửa hàng bán bánh mì và thực phẩm. Hàng vạn người thất nghiệp, người ăn xin lang thang trên các vỉa hè. Một làn sóng bãi công dấy lên khắp nước Pháp. Lần đầu tiên trong đời, anh Nguyễn hòa mình vào cuộc đấu tranh rộng lớn ấy của Đảng xã hội và các công đoàn Pháp.

            Nhưng đối với anh, số phận của đồng bào và Tổ quốc anh là mối quan tâm hàng đầu. Anh Nguyễn vẫn còn thấy ở các vùng phía bắc nước Pháp còn biết bao người Việt Nam phải đào đắp đất làm đường, để tu bổ lại sau chiến tranh, từ tháng này sang tháng khác, ăn ở tồi tệ, sống như tù khổ sai, duy chỉ không có cùm ở chân.


Anh muốn tố cáo với mọi người sự thật này, không những ở ngay tại Pháp mà còn ở một xứ xa xôi mang tên là An Nam. Jean Longuet thông cảm với anh, khuyến khích anh viết tin, viết bài  đăng trên báo Dân chúng để cho nhân dân Pháp hiểu rõ những gì đang xảy ra ở Đông Dương. Là một trạng sư, Jean Longuet chuyên nghiên cứu phong trào công nhân thế giới. Ông gọi anh là « đồng chí thân ái » (Cher camarade), giúp anh hiểu biết thêm một số vấn đề chính trị.

            Nhờ Longuet, anh biết được một vũ khí mới, đó là ngòi bút. Nhưng anh viết bằng tiếng Pháp chưa thạo. Chính Gaston Montmousseau, chủ bút báo La vie ouvrière (Đời sống thợ thuyền) đã tận tình dạy anh viết báo. Lúc đầu ông ta bảo anh viết được bao nhiêu cũng không quan trọng, vài ba dòng cũng được, để đăng trên báo. Sau đó viết dài hơn, một cột hay hơn nữa. Cuối cùng, khi anh đã viết được khá dài thì lại đề nghị anh viết ngắn lại, cố gắng đúc kết nội dung cho chặt chẽ và bỏ đi những gì lôi thôi, dài dòng không cần thiết. Nhưng, chúng ta cũng biết, như vậy vẫn chưa đủ để thảo ra được bằng tiếng Pháp một Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam gửi cho Hội nghị Versailles sau này.


Dạo đó, Marcel Cạchin vào tuổi 50, phụ trách Ban tuyên truyền của Đảng xã hôi, là một giáo sư triết học có tài hùng biện, nhiệt tình và chân thành. Câu chuyện của anh Nguyễn là những tài liệu quý giúp Cachin đấu tranh tại Quốc hội Pháp. Ông đã khuyến khích anh nói về tôi ác của thực dân Pháp tại những cuộc họp của các chi bộ Đảng, ở nhiều buổi sinh hoạt của Đoàn thanh niên xã hội các quận nội, ngoại thành Paris và lần đầu tiên vào đầu năm 1919, trước đông đảo người nghe tại hội trường Salle de la société de Géographie (Nhà địa lý), số 184, đường Saint Germains, quận 6 Paris, nơi đây năm năm về trước Lénine đã từng diễn thuyết về vấn đề dân tộc.

(còn tiếp)

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :