Sài Gòn « đau bệnh » Covid-19 qua từng nét vẽ
Cảnh đường phố vắng lặng không một bóng người hay chân dung những người « căng mình » chống dịch được thể hiện thật sống động pha lẫn nét « bi tráng »… qua loạt tác phẩm của họa sĩ Lê Sa Long.
0h ngày 31/5, khi TPHCM chính thức giãn cách xã hội cũng là « mốc thời gian » họa sĩ Lê Sa Long bắt đầu dựng giá vẽ, dùng chiếc cọ của mình lưu lại những hình ảnh của Sài Gòn những ngày « bị bệnh ».
Những bức tranh tái hiện lại cảnh lặng yên của những đợt giãn cách xã hội, mô tả những sinh hoạt đời thường nhưng rất nhân văn, nhân ái của người dân và khắc họa chân dung những nhân vật hết mình vì cộng đồng trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.
Loạt tranh này được họa sĩ Lê Sa Long đăng tải trên trang facebook cá nhân với tên gọi « Sài Gòn những ngày giãn cách ».
Theo chia sẻ của họa sĩ, trước dịch bệnh, công việc của anh là lên lớp giảng dạy cho sinh viên, vẽ tranh do khách đặt hàng và vẽ tranh sáng tác. Trong những ngày phải giãn cách vì Covid, anh chỉ có thể duy trì công việc giảng dạy qua hình thức online.
Hiện anh đang hoàn thiện gần 40 bức tranh phong cảnh và chân dung về chủ đề Sài Gòn trong mùa dịch được vẽ bằng Acrylic – pastel và màu nước. Ngoài cái tên « Sài Gòn những ngày giãn cách », họa sĩ còn gọi những bức tranh này là « cuốn sổ ghi chép » sự kiện đại dịch kinh hoàng, khó quên trong cuộc đời.
Họa sĩ Lê Sa Long sinh ra ở Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), lớn lên ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), học tập và lập nghiệp tại TPHCM. Đến nay, anh đã gắn bó với mảnh đất Sài Gòn được gần 30 năm.
Năm 2020, anh gây chú ý với loạt tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những « Người tình âm nhạc ».
Tháng 10/2020, anh cho ra mắt bộ tranh « KHẨU TRANG VÀ NGƯỜI NỔI TIẾNG », đồng thời với tập sách ảnh cùng tên tại Đường sách TPHCM.
Sau đợt triển lãm này, anh bán được 12 bức tranh. Số tiền bán tranh được anh trích ra 80 triệu đồng để đóng góp cho quỹ người nghèo, quỹ phòng chống Covid-19.
Laisser un commentaire