TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Chính quyền TP HCM quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 để phòng chống Covid-19.
TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong bối cảnh ghi nhận hơn 10 000 ca nhiễm kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 27/4, đứng đầu cả nước. Những ngày gần đây, số ca nhiễm tính theo ngày tại thành phố liên tục cao. Nhiều ca được phát hiện trong cộng đồng qua khám sàng lọc ở bệnh viện.
Đây là lần thứ hai TP HCM phải thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Trước đó, đầu tháng 4/2020, cùng với 11 tỉnh thành « nguy cơ cao », thành phố áp dụng Chỉ thị 16 trong 22 ngày.
Đến nay TP HCM đã trải qua 37 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 đã có 14 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16.
Việc phong tỏa của TP.HCM lần này được thực hiện nghiêm đến từng hộ gia đình, theo nguyên tắc mỗi nhà đều « cửa đóng, then cài », cửa hàng cửa hiệu về cơ bản đều đóng cửa trừ cửa hàng cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu, người dân được khuyến cáo chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Tránh việc chính quyền cơ sở chỉ lập rào chắn phong tỏa các khu phố, nhưng bên trong người dân vẫn tụ tập đông người.
Mọi người phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện ; dừng di chuyển từ vùng dịch đến địa phương khác ; dừng các bến đò ngang sông, bến thủy nội địa; thuyền trưởng, thuyền viên khi cập cảng không được lên bờ ; tàu đường thủy nội địa hạn chế cho người lên bờ.
Các biện pháp chống dịch còn gồm việc dừng bán đồ ăn mang về và dừng các loại xe dịch vụ hành khách (buýt, taxi truyền thống và công nghệ, xe ôm…) ; dừng bán vé số.
Về hàng hóa, hiện nay thành phố đã tạm ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) và một số chợ truyền thống để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố vẫn phải được duy trì ổn định.
Thành phố giao Sở Công thương đẩy mạnh tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh…), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng…
Từ 0h ngày 9/7, người dân ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Không đeo hoặc quên khẩu trang, mức phạt là từ 1 – 3 triệu đồng/người. Tụ tập 3 người trở lên, đối với cá nhân mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng/người. Đối với tổ chức, sẽ bị phạt từ 20 – 40 triệu đồng/tổ chức.
Vẫn tiếp tục kinh doanh dịch vụ ăn uống mang về sẽ bị phạt 10 – 20 triệu đồng/người đối với cá nhân và 20 – 40 triệu đồng/tổ chức đối với tổ chức.
Các cơ sở được tiếp tục hoạt động gồm: Cơ sở sản xuất; công trường xây dựng; cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu; cơ sở khám chữa bệnh; cơ sở tang lễ; dịch vụ ngân hàng, kho bạc, cơ sở liên quan; chứng khoán, bưu chính, viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa; công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch đảm bảo. Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, lao động đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn.
Laisser un commentaire