Hồn Việt phảng phất giữa Paris qua tranh Mai Trung Thứ

Ga Lyon nổi tiếng đẹp sừng sững với những nét đẹp cổ kính ở Paris. Ga Lyon còn nổi tiếng có một tháp chuông, vuông cao 67 mét, gắn chiếc đồng hồ lớn bốn mặt. Hàng ngày, hàng ngàn người tập nập đến lấy tàu đi khắp nơi. Ga là điểm hẹn hồi hộp chờ đợi, lưu luyến chia tay người thân. Ga nối liền với hệ thống tàu điện ngầm Paris và tàu đưa khách tuyến phía Nam nước Pháp. Ga không chỉ là nơi những con tàu đến và đi, còn là nơi quảng cáo văn hóa Pháp. Trước cổng ga thường được Tòa thị chính cho phép tổ chức buổi văn nghệ hoặc triển lãm giới thiệu về hình ảnh đất nước Pháp và các tài năng thế giới để thu hút khách du lịch. Lần đầu tiên tranh của một họa sĩ gốc Việt được trân trọng trình bày dọc lối cổng chính vào ga nơi người qua lại như mắc cửi : Mai Trung Thứ.

Cổng chính nhìn ra quảng trường Louis Armand, nhìn ra đường Lyon, hướng về quảng trường Bastille và đại lộ Diderot. Quảng trường Bastille nổi tiếng với những cuộc cách mạng lớn phá thành trì 14/07/1789 để xóa bỏ chế độ nhà thờ và vua chúa trị, đem đến cho nước Pháp một nền Cộng hòa Tự do, Dân chủ và Bác ái. Chính sự tự do bác ái nổi tiếng này đã thu hút bao nghệ sĩ trên thế giới, trong đó có Mai Trung Thứ.  

Năm 1937, Mai Trung Thứ rời quê hương từ khi đất nước còn là thuộc địa. Tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường mỹ thuật Đông Dương, với sự dìu dắt của người thầy Victor Tardieu đầy nhiệt huyết vừa là hiệu trưởng vừa là người sáng lập trường, Mai Trung Thứ đã trưởng thành. Rời ghế nhà trường, trở thành giáo viên họa, ông mang ước vọng một ngày được đến thủ đô ánh sáng Paris nơi tụ hội những tài năng nghệ thuật lớn thế giới để học hỏi kỹ thuật của hội họa hiện đại và áp dụng vào chất liệu hội họa Việt. Giấc mơ đã trở thành hiện thực, khi ông được mời tham gia triển lãm hội chợ thuộc địa ở Pháp. Paris đã níu chân ông như bao họa sĩ lớn trên thế giới Picasco, Jean Dunand, Salvador Dali…

Xa nơi chôn rau cắt rốn, nhớ quê ông thả hồn vào tranh với những thiếu nữ Việt, những tà áo Việt phất phới bay. Với chất lụa mềm mại, kết hợp với nét vẽ thanh thoát, mờ mờ ảo ảo, hồn Việt phảng phất trong tranh ông. Các thiếu nữ e ấp gây ấn tượng, mát mắt người thưởng thức. Trong tranh ông, cái đẹp và tâm hồn phụ nữ Việt được nâng cao và bay ra khỏi những bức tranh nhập vào người xem, thôi miên tất cả.

Người Việt xa xứ xem tranh Mai Trung Thứ thấy hồn quê phảng phất với tà áo dài với mái tóc đen mượt mà, tha thướt. Khách nước ngoài bắt gặp những hình ảnh nhẹ nhàng bay bổng như những nốt nhạc trữ tình. Tất cả như mời bạn hãy đến thăm Việt Nam, thăm đất nước với những con người hiền hậu, và nụ cười tỏa sáng luôn đón chờ.


Triển lãm ngay dưới chân tháp đồng hồ cổ nổi tiếng ở ga Lyon


Tác giả và áp phích tranh Mai Trung Thứ ở ga Lyon

Triển lãm do Ban văn hóa bảo tàng thành phố Mâcon nơi Mai Trung Thứ từng sinh sống và âm thầm thả tâm tư nỗi nhớ quê trên tấm lụa mềm. Do triển lãm ngoài trời, nên chỉ trưng bày với những bức ảnh lớn chụp phóng to, tuy nhiên không kém phần hấp dẫn. Bà phụ trách bảo tàng thành phố Mâcon Michèle Moyen Charlet, một phụ nữ Pháp có khuân mặt phúc hậu rất nhiệt tình giới thiệu về  triển lãm tranh Mai Trung Thứ. Bà cùng bạn bè lo sưu tầm, mượn tranh của gia đình họa sĩ, bảo tàng Cernushi để chuẩn bị cho cuộc triển lãm này ở thành phố Mâcon. Bà đã liên hệ với giới chức trách RAPT, thành phố Paris để được phép trưng bày quảng cáo cho triển lãm tranh Mai Trung Thứ. Rất tiếc do người con gái 3/4 gốc Việt của họa sĩ không nói được tiếng Việt, và triển lãm do người Pháp tổ chức ban đầu, nên tên tác giả đã viết theo tiếng Pháp không dấu MAI –THU. Giá như sự quan tâm của sứ quán hay những người chuyên văn hóa gốc Việt ở Pháp sớm, để nghị viết đúng tên ông theo tiếng mẹ đẻ MAI TRUNG THỨ thì hay hơn. Tiếng Việt viết thiếu dấu sẽ có nghĩa khác. Điều này hết sức quan trọng, không chỉ cho riêng những người làm nghiên cứu và đặc biệt cho thế hệ con cháu khỏi đau đầu khi không biết Mai-Thu hay Mai Trung Thứ. Nhiều nhà nghiên cứu khi lục tìm kho lưu trữ văn khố Pháp đã phải khốn khổ khi nghiên cứu tên Việt. Ngay họ Nguyễn thôi cũng có những bản khác nhau nguyen/ nguy/ n’guyen/. Họ và tên người Việt đổi ví trí trước và sau là những tên đã hoàn toàn khác nhau chưa kể viết không dấu. May chưa có họa sĩ trùng tên MAI THU, và tên Việt không có gạch nối. Nhiều tên viết sai đôi khi mất bản quyền vô lý.

Tuy nhiên điều này không giảm đi sự hoành tráng và trang trọng trong việc vinh danh một họa sĩ gốc Việt. Thành phố Mâcon, trong nhà thờ lớn xây lại đầu thế kỷ 19, còn giữ bức tranh mờ vẽ năm 1941, với dấu vết tên của họa sĩ. Không phải họa sĩ nào cũng có vinh danh được nhà thờ mời vẽ.


Ảnh chụp trong nhà thờ ở Mâcon.

Hôm chuẩn bị khai mạc, một số người trong Ban tổ chức, đã tổ chức họp báo mời đại diện hội đoàn, để chuẩn bị khai mạc triển lãm Mai Trung Thứ.

Để có được một triển lãm đẹp và hoành tráng này, ngoài công lao và tài năng của họa sĩ quá cố Mai Trung Thứ, và sự trân trọng văn hóa của gia đình ông và của người những người yêu nghệ thuật, phải kể đến sự quan tâm lớn về văn hóa của những người làm văn hóa ở thành phố Mâcon.

Vinh danh Mai Trung Thứ chính là vinh danh cho nghệ thuật Việt-Pháp. Triển lãm tranh là một nhịp cầu để nối kết cộng đồng, tự hào về dân tộc và nối kết tình bạn Pháp Việt qua văn hóa. Nghệ thuật châu Á đang tạo ra một sự hấp dẫn với người châu Âu. Hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều họa sĩ Việt được vinh danh như Mai Trung Thứ trên thế giới đang ngay một mở.


Gặp mặt họp báo trước triển lãm Mai Trung Thứ ở trong khách sạn Ibis gần nhà ga Lyon
Từ trái sang phải : Nghiêm Xuân Đông giám đốc trung tâm văn hóa Việt, Nhà nghiên cứu văn hóa, chủ tịch hội Aurore Ánh Sáng Trần Thu Dung, Phụ trách nghệ thuật Việt bảo tàng Cernushi Anne Fort, Giám đốc bảo tàng Mâcon Michèle Moyen Charlet, và Thái Sơn Chủ tịch hội Interface Francophonie.


Chụp ảnh kỷ niệm trước áp phích trưng bày tranh Mai Trung Thứ

Trấn Thu Dung

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :