Những chàng trai, cô gái Ba Na giữa lòng Paris

« Ba tháng nay đoàn mình đã chuẩn bị cho gần một tháng lưu diễn tại Pháp rồi. Cả ngày hoặc nửa ngày đi làm nương rẫy, tối về tập cồng chiêng. Nghe đến Paris thì nhiều rồi nhưng mới lần đầu tiên đến đây. Tưởng xa bản làng mà không phải, đến đây thấy trai bản, gái bản ở hết đây rồi…«  – Nghệ nhân A Thut, người dân tộc Ba Na, thành viên đoàn Cồng chiêng Tây Nguyên nhìn chúng tôi cười thích thú.

« Chúng tôi » ở đây là những cô gái, chàng trai đến từ khắp các miền của Tổ quốc Việt Nam, hiện đang học tập và làm việc ở Paris và các tỉnh lân cận. « Chúng tôi » vốn chẳng quen biết nhau từ trước, làm việc cùng nhau thậm chí chỉ tính bằng vài giờ đồng hồ. Liên kết giữa chúng tôi là điệu múa Tây Nguyên khỏe khoắn mà uyển chuyển. Mục tiêu chung của chúng tôi là trình diễn điệu múa Tây Nguyên ấy tại Carnaval tropical để giới thiệu đến bạn bè quốc tế hình ảnh đặc sắc, riêng có của Việt Nam, trong tiếng cồng, tiếng chiêng thô mộc – một trong những di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Ai cũng có công việc riêng của mình, người đi làm thêm, người ở tỉnh xa Paris, người vừa đặt chân đến Pháp còn bỡ ngỡ…bởi vậy sự tập hợp đội hình ban đầu có rất nhiều khó khăn. Buổi tập đầu tiên chỉ có dăm ba người, người tập vừa mừng vừa lo; mừng vì được là một trong những mảnh ghép hình ảnh đại diện cho dân tộc, lo vì không biết mình làm có tốt không và nhóm múa liệu có đông đủ thành viên không… Nhưng những càng những buổi tập sau, các thành viên càng tăng dần. Và gây ấn tượng đáng nhớ hơn cả là buổi tập cuối cùng, ngay trước giờ diễn.

Từ 9 giờ sáng, các thành viên đã có mặt khá đông đủ để chuẩn bị tổng duyệt trước giờ diễn. Biên đạo múa và người tập trước (các diễn viên không chuyên như chúng tôi) chỉ dẫn người đến sau tỉ mỉ, nhiệt tình. Từ xa lạ, chúng tôi trở thành anh chị em của nhau; cùng múa, cùng nói cười ríu rít, trang điểm cho nhau, để dành đồ ăn cho nhau, động viên nhau bình tĩnh khi trình diễn… Với những bạn mới tham gia, họ chỉ có vẻn vẹn vài giờ đồng hồ để làm quen với đội, nhớ các động tác nên hầu hết đều e ngại rằng mình không làm tròn vai. Nhưng không khí gia đình, sự gần gũi của các anh chị em, tình dân tộc và chính từ sự cố gắng, nhiệt thành hết mình của mỗi người, khi trình diễn, tất cả như những ngôi sao đang tự tin tỏa sáng.

Mặc cho xung quanh là các điệu nhảy nóng bỏng, phóng khoáng với những tiết tấu nhanh, mạnh; mặc dù vóc dáng có phần nhỏ nhắn hơn các đội khác, nhưng cả đoàn đã chinh phục gần 5km với sự hết mình, những nụ cười tươi tắn nhất. Những tiếng hò reo của khán giả là liều thuốc tinh thần cho chúng tôi, tôi vẫn nhớ mãi nụ cười và tiếng vỗ tay của các bạn nước ngoài, họ nói:« Việt Nam rất truyền thống, cố lên, thật tuyệt các bạn của tôi ».

Tự hào và mến phục hơn cả là tinh thần của đoàn Cồng chiêng chuyên nghiệp đến từ Ba Na. Các chú đã đi chân trần (đặc trưng của trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên) suốt gần 5km, vừa múa, vừa đánh cồng chiêng mà thậm chí có những nhạc cụ nặng 6, 7 kg. Hình ảnh ấy đã tiếp sức cho chúng tôi, những người trẻ suốt chặng đường dài. Cho tận đến khi kết thúc, khi bả vai và cánh tay đã đỏ ửng, đôi chân mỏi rã rời, các chú vẫn rạng rỡ trả lời một khách quốc tế: « Đây là nhạc cụ của dân tộc mình, mình tự hào lắm. Phải biểu diễn hết mình và cố gắng đến cuối cùng nên dù mệt cũng vẫn vui vì được các bạn đón nhận nhiệt tình. »

Bỗng chốc tôi cảm thấy đó không chỉ là một nhiệm vụ trình diễn trong một cuộc thi, cuộc diễu hành, trên tất cả, đó là tình yêu quê hương đất nước và tự hào dân tộc nồng nàn…

-00-

Hải Yến

nhóm Kỹ năng Truyền thông Hội NVNTP

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :