Trải nghiệm cuộc thi Tiếng hát Việt tại Pháp 2015
Hôm nay tôi đi thi hát được gọi là bất đắc dĩ do một người bạn đăng ký giùm cho mình, người bạn ấy khuyến khích tôi lẫn tinh thần và động lực rất nhiều để tôi tham gia các hoạt động cộng đồng.
Vào khoảng 16h15 tôi vào nơi thử giọng tại Chợ Thanh Bình Việt Nam. Vào đó tôi rất bất ngờ vì bắt gặp và nhớ ra những gương mặt quen thuộc mà tôi đã từng gặp trong chốn phòng trà, tụ điểm ca nhạc… Cũng tại bởi trái đất tròn hay bé nhỏ cũng không biết, hay tại vì ngày xưa tôi làm cho một phòng trà người Việt trong ba năm liền, khi thấy họ -những người đã phần nào chuyên nghiệp – tôi nghĩ rất lạ và nói trong bụng « Chết rồi, làm sao bây giờ, mình đi thi hát lần này là lần đầu mà lại không biết một nốt nhạc, chưa ráp với dàn nhạc sống bao giờ, rồi trước mặt bao người nữa…Xung quanh toàn là những người chuyên nghiệp, hay ít nhiều cũng từng hát và có người hát hay lắm luôn. » Tim tôi bắt đầu đập loạn xạ lên, run lẩy bẩy… Mọi người thì cứ bình thản không có chuyện gì vì họ đã quen với đám đông.
Tôi lần là hỏi chuyện mọi người, có các em rất trẻ, trẻ lắm, trẻ hơn tôi mười tuổi luôn, còn có những bé trai, bé gái khoảng 15 hay 16 tuổi. Trong nhóm bàn vuông nhỏ nhắn đó chia làm hai nhóm, ồn ào, tíu tít như cái chợ, họ bàn tán xôn xao « Chị làm gì ? Em làm gì ? Chị mấy tuổi ? Tại sao chị/em đi thi ? ». Tui thì ngơ ngác thành thật nói là mình đi thi cho vui và để viết một bài viết nhỏ về « thuần Việt » của một cuộc thi hát Việt Nam. Trong nhóm người trẻ ấy, những ai quan tâm điều này bắt đầu hỏi tới hoài : Chị viết gì ? Chị làm ra sao ? Tại sao chị muốn làm ?…
Chúng tôi bàn luận về nhạc Việt Nam, và tôi kịp kết bạn với một người. Chúng tôi cùng trò chuyện, người ấy thích nhạc Việt theo xu hướng mới, và dù cũng nghe nhạc trẻ mới hiện giờ nhưng người ấy không thích lắm vì nó là nhạc mì ăn liền không sâu lắng… Tôi hoàn toàn đồng ý, rồi người ấy nói rằng nhạc Việt nhìn chung rất nhẹ nhàng, trữ tình, êm dịu nhưng không thoát ra một cái chất giọng đặc biệt cháy bỏng, một loại nhạc như jazz của nước ngoài. Tôi đặt ra thắc mắc là tại sao những chương trình thi hát ở Việt Nam như The Voice Việt Nam, Vietnam Idol, The Voice nhí,… lại hát tiếng Anh quá nhiều như vậy. Người ấy giải thích rằng chỉ có những bài đó mới phát hiện ra chất giọng mới đặc biệt để phù hợp với những loại nhạc mới…
Tôi lại thắc mắc hơn nữa « Ủa, sao kỳ vậy ? hát nhạc Việt mà thử hát cải lương coi có khó không, hát chèo, chầu văn đi thử coi… Coi sự khó khăn và chất giọng thế nào. »
Trong bụng tôi bắt đầu chột dạ rồi « Chết rồi mình sẽ hát thể loại dân ca huhuhu… Có mình mình thôi à. Hay đi về thôi. »
Rồi 17h15 đến lượt tôi vô studio hát thử giọng. Người cùng tôi trò chuyện hồi nãy cũng vào nghe tôi hát cho tôi đỡ run. Trước mặt mọi người, tôi bắt đầu « hồn lìa khỏi xác » nói năng lọng cọng. Tất cả mọi người đều rất động viên tôi. Mấy cô chú ban giám khảo thương vì thấy tui sợ, nên nói tui bình tĩnh cứ làm những gì mình có thể.
15 phút trôi qua, tôi bước ra phòng thử giọng và rất nhẹ nhõm, hỏi người ‘cùng xóm’ là « Dở lắm đúng không ? Cứ nói sự thật đi ! Chê bai gì cũng được ! ». Bạn tôi trả lời dễ thương ngắn gọn là « Chị run quá hát không được, chị hát ru con thì được, dòng nhạc của chị sẽ có một số người nghe vì tôn trọng dòng nhạc chị hát… »
Tôi kết luận là « Dở đúng không ??? Không sao, đi thi cho vui mà ! Lấy kinh nghiệm về viết bài.” Rất là vui vì đã trải nghiệm nhiều thứ lắm.”
Lại chuyện đi thi, cuộc thi tiếng hát cộng đồng là dành cho người như tôi thích hát đi thi đúng không, mà vào trong cuộc mới biết ra thì ra giải thưởng 800 euros cũng thu hút khá đông thí sinh. Và nhiều người rất tự tin là sẽ vào vòng trong một cách dễ dàng, vì họ thấy cũng có một số dạng đi thi giống tui cho vui, không phải để đạt giải và nổi tiếng.
Thật ra, qua dòng nhạc dân ca, tôi chỉ muốn nhắn gửi rằng “Lời ca tiếng hát của bà, của mẹ, của chị truyền từ đời này sang đời nọ chỉ đơn giản là câu hát ru con ngọt ngào, êm ái cho con ngủ ngon giấc, và theo dòng thời gian sẽ lớn lên, khôn ngoan hơn…Chúng ta hát với tình yêu con vô bờ của chúng ta cũng như dòng sữa ngọt ngào len lỏi vào máu thịt, và chúng ta lớn lên. Mẹ là quê hương, là câu hò, là khúc dân ca…”. Mà giờ đây, thay vì nói giọng hát dở hay không, thì lại được thay bằng cách so sánh là giọng hát “chỉ để ru con”, điều đó làm tôi đau lòng vô cùng, vì với cách so sánh đó, vô tình người nói hay những người khác đã xếp dòng nhạc dân ca, xếp những bài ru con dân tộc vào hạng mục “dở, không chuyên nghiệp, không thích hợp,…”, vì vậy càng đau lòng hơn với cái lối sống lai căng, dị hợm quên nguồn, quên gốc, quên tất cả.
Từ giây phút trải nghiệm đó, tôi bình tĩnh suy nghĩ lại về thực tế và thấy cũng đúng là có bao nhiêu ca sĩ dân ca, cải lương được nổi tiếng, mến yêu đâu… Và rồi dần dần nhiều người cũng chuyển sang hát tân nhạc một cách đau lòng và khổ sở. Cái chất giọng trong lành ngọt ngoài như dòng suối từ thượng nguồn được ban tặng mà họ lại chuyển qua hát nhạc trẻ cho hợp thời ,nhưng rồi cũng bị nói là cải lương, sến, không hợp chất giọng,… Tất cả cũng vì cuộc sống mưu sinh. Cái nghề hay nói đúng hơn là cái nghiệp nghệ sĩ sao nó nhiều sóng gió quá.
Ngày xưa, một đoàn hát là đi khắp lục tỉnh năm châu. Họ đi đến đâu đều được chào đón, yêu thương, mong chờ, họ đến rồi đi, nước mắt lại tuông vì thương nhớ, vì cả năm khán giả mới gặp một lần. Chúng ra quý nghệ sĩ ở cái tình cái nghĩa. Còn giờ đây, với tất cả công nghệ hiện đại “live show” diễn ra liên tục, phòng trà, tụ điểm ca nhạc mọc lên như nấm, liệu thính giả nghe nhạc có còn nghe nữa không, hay chỉ là một hình thức giải trí? Đi nghe nhạc là để làm cho có, cho phong trào, cho biết là sành điệu và nhiều thể loại khác nữa.
Có mấy ai chịu mua vé đi coi nhạc thuần Việt Nam như nhạc dân ca, cải lương, nhạc trữ tình, hát chèo, hát bội… với giá đắt hay không? Và họ có quan tâm đến nhạc Việt mà là thuần Việt hay không: từ nhạc dân tộc, truyền thống đến những nhạc mới với những ca từ, ý nghĩa thật Việt Nam? Hay chỉ nghe để biết nghe mà thôi.
Một lần thật lâu và lâu lắm, tôi đi nghe ca nhạc ở Unesco, một bà cụ đã ngoài 80 tuổi hỏi tôi “Cô ơi, lát nữa có cô Hương Lan hát cải lương vọng cổ phải không cô???? Sao tui chờ hoài cũng không thấy cổ ra.” Tôi rất mừng và đáp “Dạ thưa bà, có cô Hương Lan hát ạ. Bà ráng chờ một chút nha bà!”. Bà mừng lắm và nói “Tui cảm ơn cô, mà chắc cô không có thích nghe cải lương đâu!”. Tôi cười và suy nghĩ thật nhiều.
Đúng thật là không biết làm sao mà cái “thuần Việt” bây giờ tôi chỉ tìm được ở độ tuổi ngoài 50 tuổi mà thôi. Tôi gặp họ và đồng điệu với họ, cùng chia sẻ một cách dễ dàng và thoải mái. Họ rất gần gũi, đáng yêu và đáng kính. Tôi mong rằng những đứa con Việt xa xứ như tôi sẽ cố gắng giữ gìn những cái gì “thuần Việt” nhất và truyền đạt lại cho con cho cháu sau này.
Nói tới đây, tôi lại quay về với cuộc thi hát vì nhớ đến một nhóm thí sinh đi thi hát là những đứa con của các cô, chú Việt kiều thế hệ ngoài 50 tuổi. Các cô, chú dắt con đi thi chỉ đơn giản là muốn con mình tham gia những hoạt động của người Việt, và cô chú muốn cho con cháy mình nói tiếng Việt, giữ gìn bản sắc Việt Nam. Tôi thật sự cảm kích lắm, vì các bạn trẻ Việt Nam sinh ra tại Pháp mà luôn cố gắng đi tìm về nguồn cội từng chút một.
Tôi hỏi các bạn trẻ khoảng 15, 16 tuổi (cái tuổi còn ngây thơ lắm): “Các bạn đi thi để làm gì?”
Các bạn nói: Tại ba mẹ con người Việt, dạy cho con tiếng Việt nên con muốn đi thi thử cho ba mẹ vui lòng!”
Lúc này đây, tôi thấy mình già đi và hơi bị khập khiễng vì đôi lúc nói chuyện với người Việt, tôi pha vài câu tiếng Pháp. Tôi thấy mình xấu hổ trước một em trai gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Pháp. Cái quý là các em ấy đi thi với tinh thần hướng Việt chứ không phải đi thi cho vui hay để kiếm giải, hoặc nổi tiếng. Các em chỉ mong muốn đem tiếng hát của mình cho mọi người nghe và thưởng thức, muốn chia sẻ và nhắn nhủ rằng “Các em ấy rất yêu Việt Nam, yêu tiếng Việt và thích hát tiếng Việt.”
Thật cảm động hơn nữa là có một bác nói với tôi rằng“Con ráng hát dân ca cho giỏi nghe, vì bác biết người thích hát dân ca rất hiếm con à.”
Tôi vui và hí hửng lắm mặc dù biết chắc chắn là thi rớt ,hay hát dở mà vẫn vui cái bụng thật nhiều vì có người chia sẻ với tôi một cách thật lòng và trân trọng nhất.
Tôi tin rằng nhạc Việt Nam thuần Việt sẽ không bao giờ chết vì có những người vẫn và đang yêu tiếng Việt, yêu cái “thuần Việt” và muốn duy trì nó mãi mãi, giữ gìn nó để nó ngày càng đẹp và càng hoàn thiện hơn.
Chân thành cảm ơn người đã ghi danh cho tôi đi thi hát bất đắc dĩ, tôi thu tóm rất nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế. Và tôi rất vui khi tham gia đi thi hát “Tiếng hát Việt cộng đồng” lần này vì nó giúp tôi càng yêu tiếng Việt hơn và càng trân trọng những giá trị Việt Nam hơn.
N.V Như Quỳnh
Laisser un commentaire