Tản văn: Trung thu, nụ cười của con và hạnh phúc của mẹ
« Tùng…tùng…tùng…Trống rộn ràng ngoài đình. Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh… »
Tiếng nhạc, tiếng trống rộn ràng hòa vào cùng tiếng hát và tiếng hò reo vui thích của đám trẻ con đi theo đoàn múa lân là hình ảnh đọng lại sâu sắc nhất trong lòng tôi về Tết Trung thu 2017 do Hội Người Việt Nam tại Pháp, trường Về nguồn và các hội đoàn khác kết hợp tổ chức.
Trong không gian rộng lớn ở Palais des Congres Montreuil, dưới ánh sáng rực rỡ hắt ra từ phía sân khấu, cô con gái vừa tròn một tuổi của tôi cười khanh khách và háo hức nhìn ngó chú sư tử bờm đỏ rực đang lí lắc theo nhạc. Sư tử chớp mắt, lắc mình nhảy chồm lên thì nàng càng hét lên khoái trí và cũng nhún nhảy trên tay mẹ chừng như ủng hộ và hưởng ứng lắm. Điệu cười của nàng cứ giòn tan và dồn dập như là cả thế giới này vừa được nàng khám phá, với tất cả sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ. Nó làm trái tim tôi tan chảy và hạnh phúc, sung sướng đến nhường nào…
Ấy thế mà tôi lại định để nàng ở nhà vì muôn nỗi sợ hãi khá là phù phiếm và mông lung. Sợ chốn đông người ồn ào làm nàng ngột ngạt, sợ những chú sư tử sẽ làm nàng chết khiếp và đêm gặp ác mộng, sợ vài tiếng đồng hồ sẽ làm nàng đói và khát, mà với một đứa bé thích uống sữa mỗi khi lo sợ như nàng thì đó cũng là ác mộng với mẹ nàng khi phải làm bình sữa di động ở chốn đông người…
Cũng may, tôi đã quẳng những nỗi sợ ấy đi mà tìm những niềm vui khác đang chờ đợi bà mẹ trẻ ngoài hai mươi tuổi. Đã mười mấy năm rồi tôi không tận hưởng, hòa mình vào không khí Trung thu và coi đó như một đặc quyền đặc lợi của tuổi thơ, phần vì quá tuổi, phần vì lớn lên chút xíu, tôi coi đó chỉ là dịp để ra ngoài cùng bạn bè để hàn huyên, xem phim hay đi chơi ở những nơi của -người -lớn. Thói thường là vậy, khi còn bé thơ thì mong làm người lớn mà khi phải trưởng thành lại mong mãi bé thơ, giờ thì ngồi gặm nhấm kỷ niệm thơ ấu và nhoẻn cười cho những ngô nghê, ngờ nghệch đã qua rồi. Cũng may là nhờ niềm vui của con gái mà tất cả kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về trong tôi, rõ nét, thậm chí còn sâu sắc hơn; tôi cũng phần nào hiểu được sâu sắc hơn rằng sự cố gắng tạo niềm vui cho con, chính là niềm hạnh phúc của người mẹ.
Ngày xưa, tôi cũng háo hức tập luyện, múa hát để mong lên sân khấu biểu diễn của trường học, của khu dân cư, của các hội nhóm mà cha mẹ đồng tham gia tổ chức Trung thu. Sát giờ diễn cũng chộn rộn, soi gương hoặc chỉ dám cười nhẹ nhàng không có sẽ làm trôi đi lớp son phấn xinh đẹp trên mặt, làm gì cũng cẩn thận hơn vì nếu không có thể làm tóc tai rối bời, váy áo xộc xệch, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi, bởi nếu nhỡ có tay máy nào đưa máy ảnh về phía mình… Trên sân khấu cũng hồi hộp, đôi khi quên lời thì đành cười chữa thẹn, nhưng có những tràng vỗ tay của khán giả là lại hừng hực tinh thần và biểu diễn như một bông hoa đang vươn mình trong nắng ấm… Tất cả những hình ảnh xưa cũ ùa về theo những tiết mục văn nghệ mở màn của các bé trường Về nguồn.
Các em biểu diễn say sưa, vui vẻ có, hào hứng có, lo lắng có, bối rối có… Như chính tôi xưa bé. Trong sáng và hồn nhiên vô ngần. Còn con gái tôi, nàng cũng có khác gì tôi đâu. Nàng háo hức xem các anh chị hát trên sân khấu, có khác là nàng chưa biết nói để bình luận xuýt xoa những lời ca tiếng hát cao vút hay trang phục biểu diễn đậm chất truyền thống. Chân nàng nhún nhảy, thấy khán giả vỗ tay, nàng cũng vỗ tay tới tấp và cười khành khạch, rõ là ngộ nghĩnh…
Niềm vui của mẹ nàng, ngoài việc nhìn ngắm và hạnh phúc theo những nụ cười của trẻ thơ khi tham gia các trò chơi dân gian như câu cá nhận quà hay bắn cung, ném lon, nhặt đậu… còn là chút chiêm nghiệm khi thấy chính những người lớn, tóc bạc tay run cũng đang dõi theo con, cháu vui đùa, hay cũng ngồi trầm ngầm bên bàn cờ tướng, tỉ thí cao thấp nhưng không bởi sự hơn thua của trí tuệ, mà với sự bình thản của trải nghiệm trước nghệ thuật điều binh khiển tướng của đối phương. Có lẽ đó sẽ là hình ảnh của tôi của chục năm sau đó. Trung thu đâu phải chỉ là không gian của con trẻ, Trung thu là không gian của những người muốn tìm lại hình ảnh tuổi trẻ của mình, mong sống lại quãng thời gian ấy nhiều lần trong đời.
Đứng trước các gian hàng bày bán đồ ăn, nào bánh nướng, bánh dẻo, nào mâm ngũ quả, nào bún nào nem,… Khác gì chợ làng tôi mỗi phiên họp, cũng sự đa dạng đó, cũng chút ồn ào, cũng sự nhồm nhoàm ăn uống của những đứa trẻ khi nhận bánh quà của mẹ. Ở nơi này, không gian quy củ của các siêu thị đôi khi quá nhàm chán, tôi thèm chút ồn ào của chợ búa làng quê, mọi người hồ hởi chào nhau, hàn huyên đôi ba câu chuyện thân tình. Đèn lồng sáng lập lòe in bóng lên sàn theo hình thù các con vật rất kỳ ngộ, những tà áo dài từ cổ điển đến cách tân làm các mẹ và các bé trở nên dịu dàng, duyên dáng hơn bao giờ hết… Tất cả như một thước phim quay chậm về thời xưa cũ. Ở đây có mấy khi được nhìn những nét duyên Việt như thế, thay vào đó chỉ là những bộ đồ công sở gò bó, những chiếc quần tây năng động tối màu…
Con gái tôi đã được nếm đủ hương vị và mà sắc Trung thu. Nàng dù nhỏ bé nhưng cũng được phá cỗ, được các anh chị chia sẻ miếng bánh miếng trái quê hương đầy hào hứng. Nàng nhìn chú cún làm bằng những múi bưởi đầy tò mò, lạ lẫm; cả vườn thú nhỏ xinh làm từ hoa trái nằm trọn trên mâm ngũ quả đầy màu sắc. Nàng nhìn ngó, nàng chạm nhẹ, nàng nếm thử và nàng tóp tép ăn đầy thích thú. Chao ôi, sao tôi yêu từng khoảnh khắc ấy quá đi mất. Nàng đúng là cô gái Việt rồi, nàng chả chê món nào. Nàng cũng chả sợ hãi gì. Nàng còn cầm chặt chiếc đèn lồng được các cô chú phát miễn phí về tận nhà, thậm chí sáng hôm sau đi học nàng cũng cầm đi theo để khoe các bạn…
Nàng đúng là con gái tôi rồi. Ngày còn bé như nàng, chắc tôi cũng thế, cũng đáng yêu và ngộ nghĩnh thế. Hẳn rồi, tôi sinh ra nàng cơ mà… Niềm vui của tôi nhỏ bé vậy thôi, chỉ là tiếng cười vui, là từ những dấu ấn tuổi thơ của nàng và tôi được tái hiện sinh động như thế. Chắc chắn rồi, năm sau tôi lại cùng nàng xin một vé về tuổi thơ. Bên nàng, tôi lại mạnh mẽ và hạnh phúc như thế đấy…
.
Bài, hình, vidéo: Yến Lê
Laisser un commentaire