Vào những ngày giáp tết, không khí chuẩn bị cũng rộn ràng hối hả không kém ở Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn tập trung đông người Việt như Paris hay Lyon.
Có lẽ thời điểm này ở Việt Nam, các bà các mẹ các gia đình đang nô nức chuẩn bị đón năm mới. Nào nếp, lá dong, đỗ xanh, su hào, dưa hành, nào hoa đào nào quất…
Từ nơi xa, những người con đất Việt xa quê không khỏi cảm thấy bồi hồi nhớ thương mỗi khi gọi điện về nhà, hay mỗi lần vào Facebook thấy hình ảnh gia đình, bạn bè khoe ảnh… sắm tết. Người Việt, dù ở đâu cũng hướng về quê hương và cố gắng gìn giữ truyền thống, vì thế, việc tổ chức đón tết là không thể thiếu được ở các gia đình Việt Nam tại Pháp.
.
Các chị em gia đình chị Thảo Nguyên đón giao thừa
.
Chuẩn bị đón tết
Vào những ngày giáp Tết, không khí chuẩn bị cũng rộn ràng hối hả không kém ở Việt Nam, đặc biệt ở những thành phố lớn tập trung đông người Việt như Paris hay Lyon.
Quận 13 ở thủ đô Paris là nơi tập trung đông dân châu Á nhất, tại đây có trung tâm thương mại và các siêu thị chuyên bán đồ địa phương.
Vào dịp Tết, những vật phẩm truyền thống được nhập về Pháp hầu như không thiếu thứ gì, từ hoa đào, hoa mai, bánh chưng, bánh tét hay các loại mứt. Tuy nhiên, giá cả những “đặc sản” này cũng không hề rẻ nên hầu hết các chị em thường rủ nhau mua nguyên liệu về tự làm tại nhà, vừa tiết kiệm lại hợp khẩu vị của mình hơn.
Ở những thành phố nhỏ và ít người Việt như La Rochelle, việc mua nguyên liệu không được dễ dàng như Paris, cho nên vào những dịp “đặc biệt” như thế này, các chị em phải nhanh tay đặt trước với chủ cửa hàng để mua lá dong và nếp.
.
Mứt nhà chị Bích
.
Chị Ngọc Bích, hiện sống tại Paris cùng chồng và ba con nhỏ, chia sẻ, tết năm nào chị cũng gói bánh chưng và cố gắng chuẩn bị đầy đủ lệ bộ cho ngày Tết, ngay từ hồi mới cưới chưa có con.
Giờ đây, các con chị tham gia cùng bố mẹ ngâm nếp, đong nếp, rửa và lau lá dong hoặc gọt củ quả để làm mứt. Chị mong muốn rằng dù xa quê, lớn lên trong môi trường văn hoá phương Tây, các con của chị vẫn biết về ngày Tết cổ truyền và cả nhà đã chuẩn bị cho những ngày này như thế nào.
Nhiều chị em khác tâm sự, trước đây khi còn ở Việt Nam, bánh chưng bánh tét đều có bố mẹ gói và luộc giúp, chỉ việc mang về nhà. Sang Pháp muốn ăn đành phải lăn vào bếp.
Người nọ bày cho người kia, hoặc lên mạng xem hướng dẫn, gọi điện về nhà “cầu cứu” người thân, cuối cùng cũng có bánh chưng để ăn Tết “như ai”.
Cùng lắm không gói được, hoặc bận đi làm không có thời gian chuẩn bị thì mang nếp, mang lá dong đi gửi. Người Việt xa quê thường có tấm lòng ấm áp, tinh thần tương thân tương ái nên thường rất dễ nhận lời giúp nhau những việc này.
.
Giò nhà chị Bích tự làm
.
Đón giao thừa theo giờ Việt Nam
Vì là ngày tết cổ truyền hướng về quê hương nên hầu hết các gia đình Việt Nam tại Pháp đều đón giao thừa theo giờ Việt Nam, tức là 6 giờ chiều ở Pháp. Theo đúng phong tục cổ truyền, nhiều gia đình thường cầu kì chuẩn bị một mâm cỗ to cúng ông bà tổ tiên, với đầy đủ các món cổ truyền như gà hấp lá chanh, bánh chưng, thịt lợn đông và mâm quả ngũ sắc.
.
Mâm cỗ tất niên nhà chị Thuỷ Nguyên
.
Nếu gia đình nào may mắn có nhiều anh chị em ruột cùng ở Pháp thì ngày tết rất đông vui. Họ luôn tụ họp cùng nhau để đón giao thừa, gọi điện hoặc skype về nhà cho bố mẹ. Hai chị em nhà chị Thủy Nguyên và Chung Nguyên đều định cư tại Pháp, chồng và em chồng chị Thủy Nguyên cũng đi du học và định cư tại đây. Vì thế, ngày Tết luôn có đông đủ ba gia đình, lúc nào cũng đông vui và ấm cúng, chị em xúng xính áo dài chụp ảnh.
Những gia đình không muốn đón giao thừa một mình cũng có thể tụ tập để cùng nhau. Như thế, bạn bè vừa có nhiều thời gian để hàn huyên tâm sự, cũng là để cảm thấy vơi đi nỗi nhớ nhà. Khi ở xa, bạn bè cũng chính là gia đình.
.
Hội người Việt ở Cachan (Paris) đón Tết
.
Ngày mùng một Tết
Ngày Tết cổ truyền của Việt Nam không nằm trong danh sách những ngày nghỉ chính thức ở Pháp, cho nên vào những ngày này, các bố mẹ Việt Nam thường xin nghỉ phép một ngày để ở nhà đón năm mới.
Như đã thành lệ, cứ sáng mùng Một cả nhà chị Ngọc Bích đều mặc áo dài, complet hoặc áo dài khăn đóng chụp ảnh kỉ niệm, bố mẹ lì xì cho các con.
Sau đó, cả nhà cùng nói chuyện qua mạng với ông bà nội ngoại, chúc tết họ hàng, bạn bè ở Việt Nam. Các con chị dần có ấn tượng và hiểu rằng, tết có hoa đào, mứt, bánh chưng, mặc đồ lễ phục chụp ảnh kỉ niệm, bố mẹ mừng tuổi và chúc các con, các con chúc bố mẹ.
Chị tâm sự, gần chục năm không về quê vào dịp tết, do con chị không được nghỉ học vào dịp này, nên mỗi độ tháng Chạp, nghe không khí hối hả chuẩn bị bên nhà thì lòng sục sôi lắm, nhớ lắm và muốn về vào những ngày tháng ấy.
.
Gia đình chị Thảo Nguyên ở Trúc Lâm Thiền Viện (Paris)
.
Những lúc vậy hay nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ với tết. Vì mình như vậy nên nhất định phải luôn sắm một cái tết đủ lệ bộ, thật truyền thống và ấm cúng cho các cháu nhớ lâu. Nếu năm làm năm không ắt hẳn chúng sẽ quên hoặc khái niệm tết mờ nhạt, nhưng năm nào cũng thế chắc chắn sẽ tạo nên kỉ niệm tuổi thơ.
.
.
Dù đã sang Pháp từ lâu, nhưng gia đình chị Thuỷ Nguyên vẫn giữ thói quen đi lễ chùa vào mỗi mùng Một để thắp hương cầu bình an và sức khoẻ cho cả gia đình.
Trúc Lâm Thiền Viện là một ngôi chùa Việt nằm tại Villebon-sur-Yvette, thuộc ngoại ô thành phố Paris. Mùng Một Tết hàng năm Thiền Viện thường tổ chức lễ cầu an và tiếp đón một lượng lớn phật tử và du khách đến thăm. Cảm giác đến Thiền Viện, gặp gỡ nhiều người Việt, cảm nhận không khí ngày tết càng rõ rệt, cũng giúp vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà của những người con xa quê.
Chị Thiên Hương cũng dự định sẽ cho các con vào quận 13 Paris xem múa lân để hiểu thêm về các trò chơi, phong tục truyền thống ngày tết cổ truyền. Vào ngày mùng Một, tại đây ngoài múa lân múa rồng còn có tục đốt pháo và trình diễn các trang phục truyền thống châu Á.
Ngoài việc tổ chức tết riêng trong phạm vi gia đình, nhiều cộng đồng người Việt ở các thành phố nhỏ quanh Paris hoặc ở các tỉnh khác thường tổ chức đón tết chung. Họ cũng xem đây là một trong những dịp quý giá để giới thiệu văn hoá, phong tục truyền thống Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Laisser un commentaire