Gặp gỡ nghệ sĩ Ái Xuân

Ca sĩ Ái Xuân

Không thể nhớ lần đầu tiên được nghe dân ca là từ bao giờ, có lẽ là từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Tôi chỉ nhớ thời đi học mẫu giáo ở trường Mầm non B, phố Hàng Bông-Thợ Nhuộm, thì bắt đầu tập tẹ hát Bắc Kim Thang và Trống Cơm. Rồi nhớ chương trình « Ba mươi phút dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam » vào những năm 80 của thế kỷ 20, nhớ không gian dìu dặt tiếng sáo trúc, bập bùng nhịp trống tùng cắc, đung đưa câu hát « Yêu nhau cởi áo cho nhau ».

Dân ca Việt Nam thật lạ, gần đấy mà xa đấy, dễ thuộc đấy mà cũng dễ quên đấy, bình dân đấy mà cũng tinh hoa đấy, vừa mộc mạc, trong sáng vừa luyến láy uyển chuyển… càng ngẫm càng thấy đậm chất Việt Nam.

Mấy ai là người Việt Nam lại không biết ít nhất một câu dân ca, nếu không là « Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi » thì cũng là « Người ơi người ở đừng về ». Nhưng mấy ai thuộc trọn vẹn lời cả một bài dân ca nếu không phải trong giới chuyên nghiệp? Ấy là chưa nói đến chuyện hiểu thấu các ẩn ý  trong lời ca, hiểu được nhạc lý dân gian để thưởng thức trọn vẹn được nét đẹp ý nhị, sâu sắc của một điệu dân ca.

Kể như một đặc sản dân tộc mà mình lại không biết cách thưởng thức… ngẫm ra thật là uổng phí biết bao !

Vậy nên tôi thật sung sướng khi bất ngờ gặp mặt Nghệ sĩ Ái Xuân vào một buổi chiều thu tại lớp học dân ca của trường Về Nguồn ở Paris. Được nghe chị hát không qua TV, không qua loa đài, lại được chị đứng lớp dạy hát điệu « Yêu nhau cởi áo cho nhau », chỉ cho cách bắt được cái luyến cái láy đầy ý tứ, cái ngây thơ dí dỏm rạng rỡ của điệu hát… Cảm xúc lúc ấy thật khó tả, chỉ biết là mình may mắn vô cùng.

Thế là tôi không thể cưỡng lại mong muốn được hỏi chuyện chị Ái Xuân, để lưu lại chút gì đó về chị và về nghệ thuật dân ca Việt Nam, vừa để giữ lại cho mình cái khoảnh khắc bình dị mà thanh tao ấy, vừa để chia sẻ với bạn hữu và cộng đồng.

Nhân dịp xuân về, tôi xin chia sẻ bài viết này, ghi lại cuộc trò chuyện với Nghệ sĩ Ái Xuân, như chút quà nhỏ góp vui cho ngày tết cổ truyền của dân tộc.


Chào chị Ái Xuân, chị bắt đầu hát dân ca từ bao giờ?

Nghệ sĩ Ái Xuân: Mình đi hát từ năm 7-8 tuổi. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố mẹ thấy mình có chất giọng hát được dân ca, cải lương, nên sớm hướng mình theo nghệ thuật dân tộc. Từ đó, mình bắt đầu bằng việc đi theo mẹ hát cải lương.

Càng lớn, càng tìm tòi, càng say mê và thích hát dân ca hơn. Tới năm 27 tuổi thì mình ngoặt hẳn sang dòng nhạc dân ca và không tiếp tục theo sân khấu cải lương nữa.

unnamed

 

Điều gì khiến chị say mê gắn bó với dân ca đến ngày hôm nay?

Nghệ sĩ Ái Xuân: Dân ca thật vô cùng phong phú. Mình càng học hỏi, càng vỡ ra nhiều điều, càng khám phá thêm nhiều mới lạ. Bởi thế nên cứ miệt mài, vì thích học, và chẳng bao giờ cảm thấy đã đạt tới đỉnh cao. Vả lại dân ca là một nghệ thuật rất khiêm tốn, dựa nhiều vào truyền khẩu, nhiều biến tấu, nên chủ yếu lấy sự công nhận của khán giả, sự yêu mến của công chúng làm thước đo của sự thành công.

Xin chị Ái Xuân chia sẻ thêm về dân ca và cách thưởng thức vẻ đẹp của dân ca.

Nghệ sĩ Ái Xuân: Dân ca Việt Nam ngấm dần như những giọt nước tưới vào cây. Chẳng mấy ai thích ngay dân ca. Mỗi điệu dân ca đều mang bản sắc vùng của mỗi địa phương như: dân ca ba miền Bắc-Trung-Nam, dân ca của các dân tộc miền núi …

Tích tụ trong mỗi làn điệu dân ca là nét đẹp bình dị nhưng sâu lắng của đời sống sinh hoạt hàng ngày, những tâm tình ý nhị, những ước ao thầm kín của con người nơi ấy. 

Lắng nghe dân ca, gắn giai điệu và lời hát với bối cảnh sinh hoạt của người dân địa phương sẽ giúp ta dần dần chạm tới được, cảm nhận được những nét đẹp đó.

 

Hình: Nghệ sĩ Ái Xuân trong sự kiện Lễ hội Tết năm 2017 tại Pavillon Baltard, Pháp.

32424487140_ff72b4376d_o

(Đỗ Trung Hiếu)

31908761224_b3a30cca23_o

(Phạm Cao Phong)

.

Theo chị, người hát dân ca cần có điều kiện gì không hay ai cũng có thể hát dân ca?

Nghệ sĩ Ái Xuân: Hiển nhiên, đúng với tên gọi của nghệ thuật này, ai cũng có thể hát dân ca.

Để bắt đầu khám phá, các bạn nên chọn các bài có tiết tấu đơn giản, ví dụ như điệu « Yêu nhau cởi áo cho nhau » hay điệu « Đi cấy ».

Với các em thiếu nhi, có thể dựa vào các điệu có tiết tấu vui và chỉnh thêm lời sao cho phù hợp với ngôn ngữ của các em, ví dụ như điệu « Trống cơm ».

Những bài có tiết tấu và âm tiết khó thì dành cho những người chuyên nghiệp. Ai say mê thì có thể tự tìm tòi nghiên cứu và cải biên, sáng tác lời mới. Nghệ thuật dân gian luôn sống động để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại.

Nhân đây Chị có điều gì muốn nhắn nhủ với cộng đồng người Việt Nam và bạn bè yêu mến Việt Nam tại Pháp?

Nghệ sĩ Ái Xuân: Nghệ thuật dân ca Việt Nam ít được biết tới ngoài nước. Và ngay cả ở Việt Nam, các ấn phẩm dân ca ngày càng ít đi. Mình chỉ mong sao được truyền lại hơi thở của dân ca chính thống Việt Nam cho cộng đồng và bạn bè. Mong bạn bè mọi lứa tuổi hãy cùng tham gia, lắng nghe và hát dân ca, như một hoạt động giải trí mang bản sắc Việt Nam, giao lưu cộng đồng và tìm về cội nguồn.

Dân ca là một kho báu của âm nhạc dân tộc.

 

Xin cảm ơn chị. Kính chúc chị năm mới thật nhiều sức khỏe và niềm vui như ý. Hẹn gặp lại chị trong sự kiện Lễ hội Tết Việt Nam tại Pháp 2018, Pavillon Baltard, Pháp.

 

Hải Châu – Paris

Hội người Việt Nam tại Pháp


Thông tin về sự kiện Tết 2018:

 

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :