“Hợp ca Quê hương” ngân vang mãi khúc tráng ca Việt Nam
Luôn luôn tham gia các sự kiện cộng đồng và tiếp lửa cho các sự kiện ấy bằng những ca khúc cách mạng Việt Nam hùng tráng. Hợp ca Quê hương đã là một cái tên thân thuộc và linh hồn của nhiều sự kiện văn hóa Việt – Pháp. Hơn 50 thành viên ở cả ba thế hệ người Việt sinh sống và làm việc tại Pháp cứ thế miệt mài, cần mẫn truyền lòng yêu nước và tự hào dân tộc qua lời ca tiếng hát, gắn kết cộng đồng và gắn kết văn hóa.
Trong sự kiện Tết Mậu Tuất 2018 sắp diễn ra tại Pavillon Baltard, Hợp ca Quê hương cũng là một trong những thành phần nòng cốt không thể vắng mặt. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn với chị Ngân Hà, người dẫn dắt trực tiếp cho HCQH. Hy vọng bài viết giúp cộng đồng hiểu hơn về chặng đường gần một thập kỷ cống hiến và phát triển của Hợp ca Quê hương.
***********
Yến Lê: Hợp ca quê hương đã hoạt động gần một thập kỷ. Nhìn lại quãng thời gian này, chị Ngân Hà hẳn có rất nhiều kỷ niệm và những câu chuyện thú vị, vì chị là người dẫn dắt và tạo cảm hứng để HCQH đạt được những thành công ngày hôm nay.
Nếu nói về những thành công đã đạt được, chị cảm thấy hài lòng nhất về dấu mốc nào trong quá trình hoạt động của HCQH? Xin chị chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ của cá nhân mình với HCQH.
Chị Ngân Hà: Cho đến giờ nhìn lại tôi vẫn cảm thấy ngỡ ngàng nhận ra rằng HCQH đã tồn tại được hơn 9 năm. HCQH được thành lập tháng 4 năm 2009, xuất phát từ ý tưởng tập hợp những người Việt cùng chung đam mê ca hát, yêu thích những bài hát kinh điển Việt Nam. Khởi đầu chúng tôi là một nhóm khoảng 15 người cùng đam mê ca hát. Vậy mà hiện tại chúng tôi đã có một dàn hợp xướng khoảng 50 người gồm nhiều thế hệ Việt Kiều, du học sinh cũng như những người Pháp yêu thích nhạc Việt. Chúng tôi muốn được lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, đồng thời giới thiệu bản sắc, âm nhạc Việt Nam đến bạn bè thế giới thông qua nghệ thuật hợp xướng.
Dấu mốc thành công đáng nhớ đầu tiên của HQCH là trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, khi mà Hà Nội được công nhận là di sản thế giới UNESCO. Hòa cùng niềm vui chung cả nước, chúng tôi đã thể hiện tác phẩm “Người Hà Nội” tại nhà thờ Saint Louis des Invalides và tại UNESCO cùng dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng UNESCO. Tác phẩm đã được phát sóng liên tục trên các kênh truyền hình trong nước trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán thính giả.
Một kỷ niệm khó quên khác là khi chúng tôi được diễn cùng dàn nhạc giao hưởng nhạc viện Rouen và dàn hợp xướng Pháp “Ensemble Polyphonique de Choisy le Roi” dưới sự đều khiển của Claude Brendel – giám đốc nhạc viện. Giữa tiết trời đông giá lạnh tại Rouen, ngay từ những nốt đầu tiên của bài hát “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy” vang lên, nhiều người chúng tôi đã không kìm được nước mắt. Đứng trước những người bạn quốc tế, chúng tôi – HCQH hãnh diện thể hiện một tác phầm kinh điển của Việt Nam. Được nhìn thấy tên Tô Hải in bên cạnh những nhà soạn nhạc nổi tiếng Pháp xưa Gabriel Fauré, Paul Dukas và nay Philippe Chamouard. Ngày 4/7/14, Hợp Ca Quê Hương đã tham gia vào chương trình nghệ thuật mang tên « Hồn Việt » tại tòa thị chính quận 13 trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt-Pháp. Tại đây, chính cố nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo – nhà soạn nhạc nổi tiếng được nước Pháp vinh danh đã lên điều khiển dàn hợp xướng.
Sản phẩm mà chúng tôi rất đỗi tự hào đó là CD “Tổ quốc yêu thương” với 10 bài hát hợp xướng kinh điển VN. Ngoài điểm nổi bật về sự kết nối giữa các tác phẩm âm nhạc cách mạng từ xưa cho tới nay, đây có lẽ là lần đầu tiên các tác phẩm này được trình diễn kết hợp giữa một dàn hợp xướng không chuyên với dàn nhạc trẻ chuyên nghiệp của nhạc viện Rouen. Sản phẩm là nỗ lực chung giữa những người Việt Nam với những người bạn Pháp. Chúng tôi cùng hát, cùng đàn các tác phẩm kinh điển của Việt Nam. Đây cũng là CD quy tụ tới 3 thế hệ người hát hợp xướng trong cộng đồng người Việt tại Pháp: thế hệ cao tuổi, thanh niên và thiếu nhi. Điều này là một nỗ lực lớn của chúng tôi đồng thời nó cũng mang một tính biểu tượng nhất định. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, HCQH chúng tôi lại vinh dự đứng trên sân khấu Tết Hội Người Việt Nam tại Pháp. Đây là một truyền thống rất đáng quý, lưu giữ lại văn hóa và tinh thần ông cha ta. Chúng tôi tự hào là người truyền tiếp ngọn lửa ấy đi tiếp các thế hệ sau này.
Yến Lê: Hợp ca Quê hương từ lâu là địa chỉ gặp gỡ của những người Việt tại Pháp yêu ca hát, có năng khiếu âm nhạc. Họ thuộc nhiều thế hệ và họ làm những ngành nghề khác nhau. Vậy HCQH đã gặp những khó khăn và thuận lợi gì trong việc tuyển, chọn ca sĩ phù hợp với tiêu chí của HCQH, có thể hát những giai điệu hào hùng vốn là sở trường của HCQH?
Chị Ngân Hà: Chúng tôi đều là những người không chuyên, gặp gỡ nhau đơn giản vì đam mê ca hát. Đối với chúng tôi, năng khiếu hay trình độ không quan trọng. Điều quan trọng là tinh thần chịu khó, tình cảm và sự đoàn kết tập thể tạo nên sức mạnh của HCQH.
Khó khăn đầu tiên của chúng tôi vì là một hợp xướng nghiệp dư, vừa học vừa làm nên chúng tôi cần nhiều sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi. Tiếp đến do tập thể có nhiều thành phần khác nhau, từ những người có kinh nghiệm hát hợp xướng lâu năm đến các bạn sinh viên mới. Chúng tôi phải tìm cách giúp đỡ lẫn nhau, tập dượt để có thể hát hòa quyện, đồng đều.
Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất tập luyện và việc tìm bản phổ hợp xướng khi là một tập thể không chuyên. Việc phối bài hát cho hợp xướng là một công việc không đơn giản. May mắn là đã có nhiều nhạc sĩ trong nước nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi. Khó khăn thì nhiều nhưng trên hết tinh thần đoàn kết, đam mê của tập thể và sự giúp đỡ của bạn bè trong và ngoài nước đã giúp chung tôi có được những thành công hôm nay.
.
Yến Lê: Để liên kết hợp ca và chuẩn bị tốt cho những chương trình biểu diễn thì HCQH có những hoạt động thường kỳ như thế nào ?
Chị Ngân Hà: Như tất cả hợp xướng khác, việc tập luyện đều đặn luôn là điều cần thiết. Mỗi người chúng tôi đều có việc học, việc làm riêng, kể cả phải làm thêm kiếm sống nhưng vẫn luôn duy trì lịch tập hàng tuần. Ngoài việc là một hợp xướng thì chúng tôi cũng là những người bạn thân thiết, những người anh em giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công việc cũng như âm nhạc.
.
Yến Lê: Việc so sánh giữa các thế hệ có lẽ là rất khập khiễng, nhưng để dung hòa và sắp xếp hợp ca phù hợp với chất giọng và lứa tuổi cho ca sĩ ở cả 3 thế hệ trong một dàn hợp xướng, chắc hẳn chị cùng những thành viên gạo cội của HCQH phải có những cách tiếp cận, hướng dẫn khác nhau. Cảm ơn chị chia sẻ cụ thể thêm về công việc phát hiện và hướng dẫn các chất giọng khác nhau này.
Chị Ngân Hà: Tôi nghĩ sự khác biệt đó cũng là một điểm thú vị tại HCQH. Thế hệ các anh chị Việt Kiều ở lâu bên Pháp, nhiều người đã hát từ những năm 1965 trong phong trào Việt Kiều. Các anh chị đã thích và quen hát các bài hát kinh điển. Còn các bạn trẻ, sinh viên thì đa số thích và hát theo phong cách nhạc trẻ hiện nay. Khi đến với HCQH, các bạn học được các bản hợp xướng kinh điển. Nhưng cũng chính các bạn tạo nên sức trẻ, sự tươi mới cho những bài hát. Các thế hệ đều hòa hợp giúp đỡ nhau, tôi không cảm thấy đây là một vấn đề.
Yến Lê: Sau 8 năm phát triển, HCQH ra mắt đĩa CD đầu tiên. Điều này cho thấy sự cầu toàn và kỹ lưỡng của HCQH trong việc lên kế hoạch và sản xuất. Bên cạnh đó, chị có thể cho biết góc nhìn của chị về thị trường âm nhạc hiện nay (cả ở Pháp lẫn ở Việt Nam) đối với các dàn hợp xướng không ?
Chị Ngân Hà: Tôi không phải một người chuyên nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc. Tôi chỉ có đam mê và cố gắng trao dồi, tự học để làm tốt nhất trách nhiệm với HCQH cũng như cộng đồng.
Theo quan điểm cá nhân tôi thì hiện tại nghệ thuật hợp xướng vẫn đang có sự phát triển. Tại Pháp hằng năm có rất nhiều những festivals hợp xướng lớn. HCQH cũng có vinh dự được góp mặt trong hai festivals lớn hằng năm là “Les Voix sur Berges” và “Music and Friends”. “Les Voix sur Berges” là một festival hợp xướng truyền thống được tổ chức hơn 21 năm nay bên bờ kênh Saint-Martin thơ mộng với hơn 200 đoàn hợp xướng. Còn “Music and Friends” là một liên hoan hợp xướng quốc tế hàng năm tại nhà thờ Madeleine cổ kính với những dàn hợp xướng từ nhiều quốc gia khác nhau.
Theo tôi được biết thì tại Việt Nam từ năm 2011 đến 2017, hiệp hội Interkultur (CHLB Đức) đã tổ chức nhiều lần cuộc thi Hợp xướng quốc tế tại Hội An với hơn 2.400 thành viên từ 15 quốc gia. Năm 2011 chúng tôi có nhận được lời mời nhưng vì điều kiện không cho phép nên rất tiếc đã không thể tham dự.
.
Yến Lê: Hợp ca Quê hương sắp tiến tới kỷ niệm 10 năm thành lập. Liệu sẽ có thêm CD mới hay kế hoạch nào ghi dấu ấn chặng đường này mà chị có thể cho khán giả không ạ?
Chị Ngân Hà: Hiện tại chúng tôi đã có nhiều ý tưởng cho CD thứ hai, đồng thời cũng nhận được lời hứa sẵn sàng giúp đỡ từ dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Rouen. Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn một số khó khăn và điều kiện chưa cho phép.
Trước mắt, trong năm 2018, chúng tôi sẽ giới thiệu tới những người yêu mến Hợp ca Quê hương cuốn DVD ghi hình trực tiếp buổi hoà nhạc “Tổ quốc yêu thương” mà chúng tôi đã tổ chức vào cuối năm 2016. Nội dung DVD cũng sẽ được giới thiệu trên kênh YouTube của Hợp ca Quê hương. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung cho những sự kiện kỉ niệm 100 năm phong trào Việt Kiều yêu nước và 10 năm thành lập HCQH.
Yến Lê: Cảm ơn những chia sẻ chân tình của chị. Xin kính chúc Hợp ca Quê hương ngày càng phát triển và có thêm nhiều nhân tố mới tham gia. Hy vọng và trông chờ CD tiếp theo của hợp ca trong thời gian tới.
Yến Lê (LIEN99)
Laisser un commentaire