Phóng sự cộng đồng: Người đem trà đến các giải quốc tế và giới thiệu trà nụ cổ thụ Việt Nam tại Pháp
Paris một chiều hè đầu tháng tám, thành phố đã bớt phần hối hả. Từng nhóm khách du lịch tản bộ trên phố. Các quầy báo vẫn mở, trưng bầy các tạp chí du lịch, và thể thao như muốn lưu lại chút không khí sôi động tưng bừng của một mùa giải bóng đá thế giới, khi thành phố này lại một lần nữa được đón chiếc cúp vàng.
Tôi thấy lòng mình lâng lâng, một phần vì cảm nhận được sức sống của thành phố này đang hoà trong mình, một phần vì sắp được gặp bạn. Thật hiếm khi có dịp gặp nhau để hàn huyên, quý lắm chứ, không vui sao được.
Tôi đến cửa hiệu trà và cà phê Việt Nam Sobica sắp khánh thành tại số 25 đại lộ La tour Maubourg quận 7, giữa trung tâm thành phố. Chị Hằng vẫn vậy như cách đây gần 20 năm. Vẫn mái tóc dài chấm ngang vai, Khuôn mặt xinh xắn với đôi mắt biết nói của một tâm hồn nhạy cảm. Nụ cười hiền hậu phảng phất đâu đó nỗi lo âu trăn trở, rất đặc trưng của một người phụ nữ Việt Nam. Chị lo nhưng tôi biết trong lòng chị vui, vui vì câu chuyện búp chè Việt Nam của chị và những người bạn đồng hành sắp sang trang mới. Việc đến được đây là kết quả của cả một chặng đường dài: một chặng đường đổi mới và hồi sinh của búp chè của Việt Nam.
KHỞI ĐẦU BẰNG KÝ ỨC VÀ YÊU THƯƠNG:
Uống trà vừa là thói quen bình dân, vừa là thú vui tao nhã.
Xét về phương diện bình dân, thói quen uống trà sau bữa ăn và thói quen pha trà tiếp khách vẫn còn phổ biến ở nhiều gia đình Việt Nam. Uống trà được xem là bổ dưỡng, vệ sinh, đậm đà hơn là uống nước. Nhưng thực tình ra, cái vị đắng chát của trà Việt bình dân, rồi nỗi lo sợ thuốc sâu, hóa chất bảo quản… khiến cho thói quen này ngày một giảm đi ở Việt Nam.
Xét về phương diện tinh hoa, thú uống trà ngâm thơ với bạn hiền, hay độc trà ngắm trăng hoa chỉ dành cho các bậc tinh anh, vừa sành trà, vừa có thời gian, vừa phải có tiền. Vì trà ngon Việt Nam hiếm và đắt, lại không nổi tiếng bằng trà Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ … nên chỗ đứng của trà cao cấp Việt Nam rất hạn hẹp trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Chị Hằng vốn không phải là người thích uống trà, một phần cũng tại không thích cái vị đắng chát của trà Việt Nam. Nhưng uống trà trong ký ức của chị gắn với sinh hoạt gia đình khi giúp bố mẹ, ông bà pha phà tiếp khách. Trà cũng gắn liền với câu lạc bộ thơ nơi chị tham gia theo các cô các chú từ hồi mười bốn mười lăm tuổi. Nên đến những năm gần đây, khi trở về Việt Nam, thấy bố mình và nhiều người thân không còn thói quen uống trà mà chuyển sang uống nước vối vi sợ thuốc sâu, chị cảm thấy buồn.
Thế rồi cái duyên của người làm phiên dịch khiến chị dấn thân vào con đường trà và cà phê Việt Nam. Đó là một cuộc hành trình gian nan bắt đầu từ năm 2014 với những người đồng hành mà chị gọi là « Những người Nông dân hạnh phúc chuyển màu cho hạt cà phê » , rồi đến sự ra đời của công ty cà phê & chè Sobica năm 2015 mà chị là người sáng lập và hợp tác với các nhà sản xuất trẻ, vừa là nông dân và nhà rang xay, như Duy và Hùng.
Liên tiếp trong hai 2015 và 2016, Sobica đã đạt năm giải thưởng quốc tế cà phê rang xay với ba sản phẩm đặc chủng Intensity, Aroma, Roda đến từ các vùng Tây Nguyên và hai sản phẩm phối trộn VinaVoix 1 và VinaVoix 2 kết hợp cà phê Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam.
BA NĂM SỐNG CÙNG TRÀ:
Thành công với cà phê đến khá nhanh, nhưng với trà thì khó khăn phức tạp hơn nhiều. Những « nỗi niềm » với lá chè xanh Việt Nam được sáng tỏ hơn khi chị có điều kiện tìm hiểu vùng trà cổ thụ lớn Yên Bái cùng với các chuyên gia trà Pháp để đánh giá ngành sản xuất trong một chương trình hợp tác liên vùng giữa Yên Bái và Val de Marne. Tới những nông hộ trồng chè đang gặp khó khăn chị hiểu được rằng cây chè lâu năm nếu không được hái thì sẽ không thể phát triển. Từ đó chị ngày càng nung nấu ý tưởng tìm hướng đi mới cho trà Việt Nam. Sát cánh cùng các nhà sản xuất trà từ nhiều vùng nguyên liệu, chị quyết tâm thực hiện mong muốn cháy bỏng là xây dựng một thương hiệu tra Việt Nam được yêu thích ở trong và ngoài nước, đặc biệt là tại Pháp, một trong những thị trường khó tính trên thế giới.
Mất gần ba năm tìm hiểu các vùng chè Việt Nam, gặp gỡ các chuyên gia trong và ngoài nước, xây dựng sự hợp tác với nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn và các chuyên gia trà của Pháp, trong đó có tác giả của Bộ hương trà nổi tiếng người Pháp Carine Baudrey, chị Hằng mới dần khám phá thế giới phong phú của hương vị trà. Từ những hương vị của trà nền nguyên chất nhẹ nhàng, sâu sắc, ngọt ngào, tuỳ vào từng vùng nguyên liệu, tuỳ vào từng lứa chè, tùy vào cách chế biến, đến sự kết hợp với ướp hương cùng các hương liệu tự nhiên như Sen, Nhài, Ngâu, Cốm, Cam, Chanh, Ca Cao… khả năng sáng tạo gần như không có giới hạn. Cái khó là tạo ra được những dòng sản phẩm độc đáo, đáp ứng được thị hiếu của người sành trà trong một thị trường quốc tế vừa khắc khe về hương vị, vừa khắt khe về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ba năm để hiểu mùa nào chè ngon nhất, như chè vụ đầu xuân Thái Nguyên, hay chè vụ đầu hè của Hà Giang. Ba năm để đưa sản phẩm trà đen Tây Côn Lĩnh lên ngang tầm với trà Darjeeling nổi tiếng của Ấn Độ.
Ba năm để xây dựng liên kết các nông hộ có vườn chè tách biệt với đường giao thông, để chuẩn hoá quá trình chăm sóc và thu hoạch ( bởi vì chè búp khi hái ‘ 1 tôm 1 lá’ hay ‘1 tôm 2 lá’ sẽ cho vị rất khác nhau…).
TRÀ VIỆT TRONG CÁC GIẢI THƯỞNG QUỐC TẾ:
Ba năm để cùng các trà sư Việt nam tìm tòi, chắt chiu những hương vị tinh tế nhất của trà Việt trước khi đưa các sản phẩm tiêu biểu của Sobica ra trình làng tại « Cuộc thi quốc tế Chè Thế giới – AVPA Paris 2018 » do AVPA tổ chức vào tháng 06 năm 2018. Tổ chức AVPA (l’Agence pour la Valorisation des Produits Agricoles) là Cơ quan xúc tiến phát triển giá trị Nông sản. Cơ quan này hoạt động vì lợi ích của các nhà sản xuất nông nghiệp tại những vùng đất có các sản vật nổi tiếng khắp nơi trên thế giới.
Năm sản phẩm của Sobica đã đạt giải tại cuộc thi quốc tế đầu tiên này. Thành công mới mang lại niềm vui khôn xiết và củng cố niềm tin cho chị và các bạn đồng hành vào con đường đã chọn. Ba sản phẩm hợp tác với nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn đánh dấu kết quả của sự thay đổi phương pháp sản xuất :
- một giải Bạc dành cho sản phẩm trà xanh Rizoté đến từ Thái Nguyên (Sobica dùng chè Rizoté để ướp với trái Yuzu Nhật Bản, tạo nên một sản phẩm chè hương vô cùng đặc biệt của Sobica),
- một giải Đồng dành cho sản phẩm trà đen Caroza với thể chất ấn tượng của vùng trà Tây Côn Lĩnh, còn chè đen Latchi Tây Côn Lĩnh cũng đạt giải « tinh tế » Gourmet.
- Hai sản phẩm chè ô long xanh Oflora và ô long đỏ Ceriso đến từ Mộc Châu cũng được giải Gourmet đánh dấu sự hợp tác thành công của Sobica và nhà sản xuất Amitea. Tuy chưa đạt giải thưởng chính thức tại cuộc thi này, nhưng ba sản phẩm chè đen, vàng và phổ nhĩ hữu cơ Bio đến từ vùng Cao Bồ, Hà giang đã để lại ấn tượng sâu lắng cho ban giám khảo.
Chặng đường trước mắt đầy triển vọng nhưng cũng nhiều thách thức phải vượt qua. Để tạo được chỗ đứng trên thị trường Pháp khắc khe, phải duy trì được nguồn sản phẩm phong phú, chất lượng ổn định, tổ chức truy xuất nguồn gốc sản phẩm chặt chẽ. Bên cạnh đó chị cũng cần những đầu tư maketing có quy mô để quảng bá và giới thiệu được những giá trị đặc sắc của trà Việt Nam, gắn liền với những giá trị của thiên nhiên và văn hoá nước nhà.
Việc mở cửa một cửa hiệu Boutique dành riêng cho trà và cà phê Việt Nam Sobica giữa lòng Paris là một bước đột phá. Mong rằng đây sẽ là điểm hẹn của dân sành trà và những bạn bè yêu mến thiên nhiên và văn hoá Việt nam.
Bạn hãy đến để thưởng thức trà cổ thụ trên 80 năm tuổi của những nông hộ vùng cao Hà Giang. Đến để hội ngộ bên chén trà Thái Nguyên ướp hoa tinh tế : hoa nhài, hoa bưởi, hoa mộc, hoa sói … Đến để khám phá món trà Rizoté ngọt ngào thơm hương cốm mới, hay món trà đen Tây Côn Lĩnh khỏe khoắn đầy ấn tượng cùng với dòng trà ướp trái Yuzu Nhật Bản đặc sắc. Đến để cùng chị Hằng và các bạn viết tiếp câu chuyện búp chè cổ thụ Việt Nam. Cửa hàng trà của chị bắt đầu mở cửa từ ngày 22/12, mở cửa từ thứ hai đến thứ bảy, nhưng đặc biệt mở cửa ngày 23/12, tại địa chỉ 25 boulevard de la Tour Maubourg Paris 7.
Hải Châu.
Laisser un commentaire