Bánh chưng ngày Tết

Tại Hội quán của Hội người Việt Nam tại Pháp (16 rue du Petit Musc 75004 Paris), từ ngày 10/1/2019, sẽ bắt đầu bán bánh chưng Hà Nội với lá dong tươi từ Việt Nam sang.

Bánh chưng Hà Nội do đầu bếp Hà Nội thực hiện theo đúng các bước và thời gian nấu truyền thống. 

Số lượng có hạn. Mỗi ngày đều có bánh mới.

(Những hình minh họa trong bài viết dưới đây là bánh chưng trực tiếp được làm ở Hội quán)

Để đặt trước qua điện thoại: 01.42.72.39.44 (giờ hành chính, từ thứ hai đến thứ sáu).

Giá: 12 euros/ bánh (1,1kg-1,2kg).


 

Ý nghĩa của bánh chưng trong ngày Tết Việt Nam

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh

 (Tục ngữ Việt Nam)

Mỗi khi tết đến xuân về, người Việt, dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là món ăn đặc trưng dân tộc, là cảm giác háo hức thời thơ bé ngồi canh nồi bánh chưng ấm cúng, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình sum họp ấm áp trong những ngày đầu năm mới.

Truyền thuyết về nguồn gốc của bánh chưng

Truyền thuyết kể rằng: ngay sau khi phá xong giặc Ân, vua Hùng thứ 6 muốn tìm một vị hoàng tử xứng đáng để truyền ngôi. Vào dịp đầu xuân, vua cho mở hội và bảo các con rằng: « Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho ». Các Lang (các người con của vua Hùng) đã đua nhau làm ra những món lạ từ những nguyên liệu là sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi. Duy chỉ có Lang Liêu là hoàng tử thứ 18 từ lâu mất mẹ không biết nên chọn món nào để dâng cha. 

Một đêm, Lang Liêu nằm mơ có vị thần đến bảo:

« Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân… nếu lấy gạo nếp gói làm hình tròn để tượng trưng cho trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng trưng cho đất, ở trong làm nhân cho ngon; bắt chước hình dạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý nói ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được »

(Trích Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp).

Làm theo lời thần dạy, khi dâng lên vua, nhà Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, tức đời vua Hùng Vương ‪thứ 7. Món bánh chưng và bánh dầy có nguồn gốc chính là từ đây.

banh-chung

Ý nghĩa văn hóa

Cái giỏi và cái tâm của Lang Liêu là biết sử dụng những nguyên liệu dân dã gắn bó với cuộc sống hàng ngày của dân như: lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… để làm thành món ăn, mà trong đó đã gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thiên nhiên. Chính vì vậy bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người.

Theo quan điểm của văn hóa thời bấy giờ: Trời tròn đất vuông. Bánh dầy tượng trưng cho Trời, cho cha, cho rồng, cho sức mạnh… thì bánh chưng tượng trưng cho đất, cho mẹ, cho Âu Cơ. Bánh chưng được gói năm ba lớp lá như lòng người mẹ bao bọc lấy người con. Biểu tượng cho anh chị em một nhà đùm bọc lấy nhau, vì cùng một mẹ sinh ra như trăm con nở ra từ một bọc trứng. Bên cạnh đó, bánh chưng tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ, chính vì thế mà phong tục dùng bánh chưng làm quà biếu dâng lên cha mẹ cũng từ đây mà có. Việc gói bánh chưng phiền phức hơn làm bánh dầy, cũng nói lên tính cách phiền toái, đa dạng của lối sống trên mặt đất.

Chiếc bánh chưng xanh có nguồn gốc lâu đời, gợi cho ta nhớ đến niềm mơ ước an cư lạc nghiệp của con người: nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín… là màu mỡ của lúa chín đồng quê, của đời sống chăn nuôi an vui xóm làng.

Buộc bánh chưng phân làm 9 khung đồng đều cũng mang một ý nghĩa nhất định. Vì thực ra, bánh chưng còn thể hiện sự mong muốn công bằng pháp lý cho việc chia cắt ruộng đất hợp lý và tổ chức xã hội Việt Nam thuở xưa. Thông thường, phần màu mỡ hơn sẽ dùng làm công điền công thổ. Phần kém tốt tươi đem phân chia cho dân làng. Cho nên lúc ăn bánh chưng, phải lấy lạt tre cắt sao cho các phần đồng đều, vừa đẹp mắt, vừa không ai phân bì ít nhiều, để nhớ đến biểu tượng công bằng xã hội của bánh chưng.

Giá trị ẩm thực

Nguyên liệu để gói bánh chưng có thể nói là đơn giản nhất trong số những món ăn truyền thống, bao gồm: lá dong, gạo nếp, đỗ xanh và thịt heo. Tuy nhiên, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh và luộc bánh là cả một nghệ thuật, rất độc đáo và công phu. 

Do Tết năm nào cũng kéo dài khoảng 1 tuần, khâu chuẩn bị vật liệu cho bánh chưng đặc biệt quan trọng để bánh có thể bảo quản được lâu dài không ôi thiu hay bị mốc. Thịt ướp dùng nước mắm, vo nếp không sạch, đãi đậu không kỹ hay rửa lá còn bẩn, không lau khô lá trước khi gói đều có thể khiến thành phẩm chóng hỏng.

Khi gói bánh bằng lá dong, bánh chưng vừa xanh vừa đẹp, thơm hơn lá chuối. Phải gói thật kín, không cho nước vào trong, bánh mới ngon. Lạt phải buộc thật chật, chắc; gói lỏng tay, ăn không ngon, song nếu chắc quá, bánh cũng không ngon.

Khi nấu bánh chưng, người Việt dành trọn một thời gian khá dài thường trên 10 tiếng, phải để lửa sôi âm ỉ, như thế bánh mới rền, mới ngon. Tuy gọi là luộc song vì nước không tiếp xúc với vật liệu được luộc, nên lại là hình thức hấp hay chưng (chưng cách thủy) nhằm mục đích giữ nguyên được chất ngọt của gạo, thịt, đậu, nên mới gọi là bánh chưng.

 

 

Cũng vì thời gian chưng lâu, khiến các chất như thịt, gạo đậu nhừ, có đủ thời gian chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, cũng mang một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta.

Hơn nữa, bánh chưng Tết còn có ý nghĩa lớn về mặt dinh dưỡng. Với các nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng như gạo nếp,đỗ xanh và thịt heo bánh chưng cung cấp cho chúng ta rất nhiều vi chất và vitamin bổ dưỡng cho cơ thể để chống chọi với cái lạnh mùa Đông ngày Tết. Cụ thể như đỗ xanh chứa chất thanh nhiệt giải độc giảm các hiện tương sưng tấy làm bánh chưng có vị thanh giúp cân bằng với độ béo của thịt và đồ nếp. Bên cạnh đó gạo nếp cung cấp lượng tinh bột lớn đồng thời có là một thực phẩm rất tốt cho gan.

Thiết nghĩ, bánh chưng là biểu tượng ngày Tết mà không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được. Vì đây là một món ăn vừa độc đáo, vừa ngon, vừa bổ, lại gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh, là nét đẹp của con người Việt Nam, cần gìn giữ và tôn trọng từ quá khứ, hôm nay và ngày mai.

Tổng hợp và viết bài : M. Vân

Hình: UGVF

 

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :