Lang thang cùng nghệ sĩ đến lễ hội Pháp ngữ ở Yèbles

Sáng sớm trời còn sương mù, mặt trời còn ngủ nướng, đáng lẽ tôi đi xe cùng vợ chồng nghệ sĩ ưu tú Tăng Thanh Sơn, nhưng do xe phải chở dụng cụ âm nhạc và lỉnh kỉnh đồ, nên anh Cao Đông chánh văn phòng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp đến đón tôi đi tham dự lễ hội Pháp ngữ tại Yèbles cách Paris 60 cây số.

Trời cuối tháng ba còn se lạnh. Đi đón và chờ đợi hai nhà báo nữa thì ông mặt trời bắt đầu thức dậy. Xe đi qua những cách đồng xanh mướt vẫn đọng đầy sương muối. Nắng yếu ớt. Đến nơi, mọi người đang tất nập chuẩn bị.

Từ giám đốc Nghiêm Xuân Đông (tạm thời thay thế giám đốc về hưu) đến nhân viên cùng nghệ sĩ phải làm tất. Chỉ bốn người nên mọi việc đến tay. Chế độ tư bản thời đại @ không có chuyện người bóc lột người ở Pháp. Xã hội đã thay đổi. Bà Thị Trưởng cũng có mặt từ sáng như mọi người. Bà không chỉ đến lượn để chụp bức ảnh rồi vội vã ra về như nhiều chức trách khác. Bà trực tiếp để đôn đốc công việc và giải quyết những vấn đề vướng mắc tại lễ hội.

Nghệ sĩ, giám đốc, chánh văn phòng TTVHVN cũng kiêm đủ chức năng. Họ vừa lái xe, vừa khuôn vác, sắp xếp đồ đạc. Cao Đông vừa kiêm chân phiên dịch. Nghệ sĩ Thanh Ngọc cứ tưởng chỉ lả lướt áo dài ngồi chờ lên diễn, hóa ra chị cũng phải sắn tay cùng anh em làm việc. Các phu nhân đâu chỉ đến dự, họ đều nhiệt tình tham gia. Sắp xếp xong, nghệ sĩ chuyên nghiệp và các phu nhân mới vội đi thay áo dài. May mắn trời hứng nắng. Mọi người bỏ tạm được cái áo khoác. Những chiếc áo dài tha thướt Việt Nam tung bay xuất hiện trong lễ hội.

Nghệ sĩ Thanh Sơn luôn luôn sợ mấy cái đàn gẫy. Anh chăm đàn còn hơn chăm cả con. Đàn chỉ là mấy ông tre nứa, làm thủ công nghiệp nên vô ý là coi như bó tay. Ở Pháp, lại chính giữa thị trấn nhỏ lấy đâu ra một cú điện thoại là có người cho mượn đàn thay thế như ở VN. Vì thế tự tay anh phải lo di chuyển đàn bầu, đàn ống, đàn nguyệt … Rất may hai vợ chồng đều là nghệ sĩ chuyên nghiệp yêu nghề nên đỡ khoản cầu cạnh, gọi tập dượt trước khi đi biểu diễn.

3.png

Bà Thị Trưởng đang cầm tạp chí về biển đảo Trường Sa Hoàng Sa Việt Nam do ông chủ tịch chuyên san « Actualités Francophonie » trao tặng trong gian hàng Việt.

Đàn bầu ngày nay được cải tiến gấp đi vận chuyển đơn giản, tôi không hiểu tại sao anh không dùng loại đó. Anh cầu kỳ mang cây đàn bầu bằng tre, bốn chân cũng bằng tre. Anh giải thích « đàn bầu gấp không chuẩn âm được. Cả cây đàn chỉ có một dây, nếu bị gấp dù chỉ một tí, tiếng đàn cũng đục. Cây đàn đại diện duy nhất cho nhạc cụ dân tộc Việt ra nước ngoài, nên anh muốn phải mang một hình ảnh đẹp và sự khéo léo của ông cha nghệ sĩ xưa đã chế ra nó. »

Mấy khúc tre, và cái dây thép đơn giản tạo nên tiếng suối reo, chim hót, diễn tả đủ âm thanh trầm bổng của cuộc đời đòi hòi việc đầu tiên là người chế tạo đàn. Vòng qua các quầy lễ hội, tôi khám phá ra mấy khúc tre cũng được nhiều nước sử dụng. Ở Tunisie các nghệ sĩ vót những nhánh nứa, cành tre nhỏ làm bút vẽ chữ thảo. Đảo Haiti nghệ sĩ dùng làm bộ gõ. Nghệ sĩ Việt chế tạo ra đàn ống, đàn t’rưng, đàn klongput, sáo, bầu … Để tạo ra dụng cụ âm nhạc chuẩn đòi hỏi bàn tay nghệ nhân giỏi. Tôi nhớ đến câu chuyện cây tre trăm đốt. Nhờ bụt hiện lên bày cho câu thần chú « khắc nhập, khắc xuất », để anh nông dân chăm chỉ lấy được cô con gái phú nông khi đem được sính lễ « cây tre trăm đốt ». Cuộc đời không có ông Bụt nào phù trợ. Chính sự chăm chỉ thông minh của anh chàng nông dân kiêm nghệ nhân khéo tay đã giúp anh tạo được ra cây tre trăm đốt. Anh phải gọt khéo và lắp ráp tài tình để phú ông không phát hiện ra cây tre giả. Phú ông tưởng là cây tre 100 đốt thật lao vào rung cho nó rơi, và cây vẫn nguyên. Anh nông dân chính là một nghệ sĩ hội họa thực sự cũng như nghệ sĩ Thạch Sanh chơi đàn quyến rũ nàng công chúa. Nếu không có sự sáng tạo và tài nghệ thì trăm đốt tre không thể khắc nhập được. Khắc nhập, khắc xuất chính là tài năng nghệ sĩ. Dụng cụ âm nhạc chuẩn, đòi hòi nghệ sĩ nhạc công giỏi. Cây bút tre không đơn giản chấm mực vẽ ra chữ thảo như sóng lượn, như một bức tranh hấp dẫn. Gõ tre không biết nhịp và phối hợp với trống sẽ trở nên những người chăn cừu trên núi gõ đuổi dọa thú dữ.

Hai nghệ sĩ Thanh Sơn và Thanh Ngọc rất cẩn thận lo xong đàn. Không có dàn nhạc phụ họa, anh lại phải dùng băng ghi, rồi nhờ mấy tay Pháp đưa vào máy… Anh tâm sự : em lo nhất người nước ngoài nghe xong người Việt biểu diễn sẽ không muốn quay lại. Ấn tượng rất quan trọng ». Nhiều Việt Kiều cứ tưởng biết chơi lăng nhăng tự nhận là nghệ sĩ đi biểu diễn cho người nước ngoài, đúng là một thảm họa. Họ không biết rằng chính họ đã làm xấu đi giá trị nghệ thuật âm nhạc dân tộc Việt.

Người nghệ sĩ thực thụ dù biểu diễn cho đối tượng nào cũng phải biết trân trọng và quyến rũ khán giả. Người nghe một lần nhớ mãi. Thạch Sanh gặp công chúa chỉ một lần, và tiếng đàn của chàng bán rong nỉ non tha thiết làm công chúa bỗng cất lên tiếng nói. Đó chính là tài nghệ của nghệ sĩ đã chyển hồn của mình đến khán giả. Bôi bác nghệ thuật sẽ làm khổ cả người nghẹ. Nhiều người cứ nghe nói nhạc dân tộc là không muốn nghe lại. Vì họ chỉ được nghe những người thích đàn hát chứ không phải nghệ sĩ thực thụ. Để thành thục một cây đàn đòi hỏi phải học rất nhiều năm. Để chơi một bài chuẩn cũng phải tập vài tháng. Không phải ai tập nhiều năm cũng trở thành nhạc công điêu luyện. Nhạc sĩ kiêm nhạc công Giang Thao chơi đàn nguyệt điêu luyện đã thu hút người Pháp lần đầu tiên đến tham dự triển lãm hội họa « Một thoáng Hà nội » do hội Aurore – Ánh Sáng tại Pháp tổ chức ở Arcueil. Có một lần tôi nói chuyện với ông Aurélien, chỉ huy dàn nhạc Pháp nổi tiếng ông từng điều khiển nhiều buổi hòa nhạc ở Opéra Paris, ông nói « tôi rất ấn tượng và bị chinh phục tiếng đàn bầu dân tộc của bà. Cái đàn có một dây mà chơi được nhiều bản nhạc phức tạp như đàn piano. Tôi mong có dịp được một lần xem biểu diễn.» Đến hẹn lại lên, đó chính là khát vọng của người nghệ sĩ đam mê thực thụ.

Hai ngày lễ diễn ra, hai vợ chồng nghệ sĩ Thanh Sơn và Thanh Ngọc đã biễu diễn xen kẽ với đoàn nhạc dân tộc của các nước khối Pháp ngữ tham dự. Tiếng đàn bầu, klongput Việt đưa khán giả đến một miền núi Việt Nam thanh bình với tiếng suối róc rách, tiếng chim hót chào xuân mở đầu. Khán giả đang mơ màng mơ về một miền đất lạ thanh lắng bỗng tỉnh lại khi tiếng trống hối hả của đoàn nghệ sĩ châu Phi, và những vũ nữ Haiti lưng trần, nhảy múa tưng bừng. Sự đa dang trong nghệ thuật cũng là một điểm nhấn trong lễ hội. Mỗi một nghệ sĩ đem lại ấn tượng khác nhau. Trong buổi lễ hội Pháp ngữ, nhiều nghệ sĩ khắp nơi có mặt. Họ tò mò đến ngó cây đàn bầu và ngạc nhiên thử, rồi thắc mắc sao không ra tiếng réo rắt trong veo như lúc họ nghe Thanh Sơn trình diễn. Nghệ sĩ đã từng học hơn 30 năm mới ra được tiếng trầm bổng. Thanh Sơn hiện đang mong truyền tiếng đàn đến người Pháp. Anh nhiệt tình dù bận lo trăm công nghìn việc ở TTVHVN, đã bớt chút thời gian đến truyền dạy đàn nhị, đàn bầu cho người Pháp.

2.png

Tác giả chụp ảnh kỷ niệm trong gian hàng Việt với nghệ sĩ Thành Ngọc và các phu nhân TTVHVN

Tiếng đàn bầu gợi nhớ đến câu hát của người dân tộc châu Phi trong lễ hội« Patéla, miwenrivé »(tôi không có đây, nhưng tôi đã đến). Âm nhạc dân tộc Việt có mặt ở lễ hội Pháp ngữ đã nói lên điều đó. Việt Nam rất xa, nhưng tiếng đàn của hai nghệ sĩ đã đến đây làm Việt Nam trở nên gần gũi và quyến rũ người bạn Pháp Ngữ, mời họ đến thăm quê hương với biển xanh xa tít tận Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi đã từng nghe tiếng đàn này ở giữa biển đảo quê hương do nghệ sĩ Nông Bích Kim trình diễn. Hôm nay lễ hội Pháp ngữ, mọi người dù xa quê hương cũng luôn nhớ về biển đảo đang còn sóng dữ. TTVHVN đã mời nhà báo Actualité Francophonie, một chuyên san thời sự của khối Pháp ngữ đến dự. Ông phụ trách đã tặng số tạp chí viết về Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam. Hôm đi Trường Sa, tôi cũng tình cờ được biết nữ đại tá nghệ sĩ Nông Bích Ngọc là bạn của Thanh Sơn cùng đạo tạo một lò nghệ thuật ở Hà Nội.

Cám ơn hai nghệ sĩ Thanh Sơn và Thanh Ngọc đã làm sống lại những lũy tre rung rinh và những ngọn lửa bập bùng đêm cao nguyên, tiếng suối thì thầm trên đất Pháp. Cám ơn các bạn TTVHVN Cao Đông, Xuân Đông đã mời tôi đi lang thang cùng hai nghệ sĩ. Có đi mới biết sự gian truân của những người làm văn hóa trên đất khách quê người để truyền bá hình ảnh Việt Nam.

Trần Thu Dung

About Linh Sam (124 Articles)
Như đứa trẻ luôn tò mò khám phá và tích góp trải nghiệm trên hành trình cuộc sống... Liên hệ: radio.lien99@gmail.com

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :