TRÁI CÂY HAI MIỀN TRONG CÙNG MỘT MÂM

Năm nay cũng vì nạn cô vít mà tôi có dịp nán lại quê hương trễ hơn mọi năm. Thế mà cũng hay. Có dịp thưởng thức mùa trái cây phong phú từ đồng bằng cho đến các vùng cao mát mẽ miền Bắc.

Trước năm 1975, trong Nam mỗi lần nhắc đến đặc sản trái cây ngoài Bắc, tôi vẫn thường nghe ba mẹ mình ca ngợi Cam xã Đoài, trái Vải Hưng Yên hình như Cam Bố Hạ nữa thì phải, bưởi Đoan Hùng, v.v… Ngoài ra còn có sấu nấu canh chua, lê Cao Bằng. Trong trí tưởng tưởng của trẻ thơ, ước mơ được thưởng thức trái cây của đất Bắc cứ lớn mãi cho đến lần đầu được ăn khi non sông liền một giải. Nhất là trái vải VN không những to, chín đỏ, mọng nước ngọt lịm so với vải Madagascar, vừa nhỏ và chua chua.

Tương truyền ông Mai Thúc Loan mặt đen xưng là Mai Hắc Đế (670-723) cùng đoàn phu gánh vải nộp cho nhà Đường, đã kêu gọi các phu gánh vải cùng nhân dân nổi dậy giành độc lập, thoát khỏi sự cai trị của phong kiến phương Bắc. Nghe nói người đẹp Dương Quý Phi nhà Đường thích ăn trái vải. Chỉ có đất Giao Châu mới trồng được loại trái cây nhiệt đới ngọt thơm hợp khẩu vị quý phi của Đường Huyền Tông mà dân ta phải vất vả gánh vải đi cống nộp. Chẳng phải đối với thực vật học thế giới, Việt Nam là quê hương của hai loại trái cây là Cam và Vải đó hay sao. Trái vải hay đúng hơn vườn vải Lệ Chi Viên còn đi vào lịch sử với vụ án liên quan đến Nguyễn Thị Lộ và cái chết oan khiên của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi thời Hậu Lê. Lịch sử ngày xưa ghi nhận trái vải qua hai sự kiện còn ngày nay thế giới phương Tây xem trái cây này như một đặc sản lạ của phương Đông. Trong các nhà hàng Á Đông món tráng miệng trái vải luôn được thực khách phương Tây ưa chuộng.

Năm nay, vải thiều còn xuất đi về phương Đông Bắc, đến với thị trường khó tính Nhật Bản. Không rõ dân Nhật phải trả bao nhiêu tiền để có được 1 kg, chứ hiện nay ở Nha Trang giá chỉ có trên dưới 35000 đvn. Đâu đâu cũng bày bán, khắp các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc. Còn các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc thì hàng hàng lớp lớp xe container chất đầy thùng vải xuất sang đất nước của 1,4 tỷ miệng ăn. Nếu có chọn  » quốc trái » thì trái vải có lẽ chiếm vị trí đầu bảng. Trước tiên nguồn gốc Viêt Nam của trái vải đã được thế giới ghi nhận. Dù nó có được trồng ở các nơi khác trên thế giới như Madagascar, Trung Quốc, miền Nam nước Nhật nhưng chẳng có nơi nào sản lượng lại nhiều và chất lượng lại ngon như ở nước ta.

Ngoài vải ra, những trái cây ôn đới như mận, nectarine trồng ở Bắc Hà (Lào Cai), Sơn La. Đặc biệt mận Tam Hoa ruột đỏ, trái to và ngọt cũng xấp xỉ với Reine Claude, Mirabelle nổi tiếng của Pháp. Chẳng phải mèo khen mèo dài đuôi. Mận Tam Hoa giòn, nhiều nước, ngọt thanh không chát, hơi chua nhẹ chứ Reine Claude mềm, ngọt đậm ăn mau ngấy, trong khi họ còn tổ chức ai ăn nhiều mận Hậu, mận Tam Hoa được giải thưởng hàng năm. Đến mùa mận, mùa mơ nở trắng đồi, ngập tràn thung lũng lại rủ nhau đi ngắm hoa. Cứ như là có một thay đổi gì của thiên nhiên, đất trời hoặc sự kiện thể thao thì người Việt lại rần rần đi trẩy hội. Hiện nay mận và vải đang vào mùa cho nên hai thứ trái cây này được bày bán khắp mọi nơi. Chưa kể năm nay nectarine cũng được mùa. Trái này mới thịnh hành cách đây hơn 10 năm. Có hai loại ruột trắng và ruột vàng, trái nhỏ tuy không ngọt lắm nhưng ăn cũng được, ruột vàng có vẻ ngọt hơn. Chỉ tiếc rằng nhà vườn chưa đợi trái chín mà hái sớm cho nên không được ngọt mấy. Cây này chủ yếu trồng ở Bắc Hà, Sapa, nơi khí hậu tương đối lạnh. Nghe nói vùng đó đang trồng thử lê Pháp. Nếu có dịp du ngoạn vùng núi Cao Bằng, Lạng Sơn sau Tết nguyên Đán bạn sẽ thấy hoa lê nở trắng cạnh ngôi nhà sàn dân tộc. Sản lượng ít cho nên chẳng bao giờ thấy bày bán trong Nam. Hy vọng với sự hợp tác quốc tế trái cây ôn đới ngày càng phát triển ở miền núi phía Bắc nước ta. Còn phía Nam thì có biết bao trái ngọt nhiệt đới mà nhiều người miền Bắc trước 1975 còn chưa biết đến tên, huống hồ là được thưởng thức. Đó là câu chuyện của vài chục năm về trước. Ngày nay thông thương dễ dàng, sầu riêng, măng cụt, vú sữa, thanh long bày bán khắp chợ thành, chợ huyện, chợ xã, miễn có tiền thì cái gì cũng có. Đành rằng là thế, nếu không có thống nhất giang sơn, dễ gì du khách Bắc vào hái nho trong vườn nho Ninh Thuận, ngược lại người phương Nam chẳng bao giờ mơ được ngắm nhìn hoa tam giác mạch ở miền cực bắc Lũng Cú.

Hôm nay ăn tráng miệng cái món macédoine de fruits (đủ loại trái cây) cho thêm một ít cointreau cho dậy hương, trong dịp mùa trái cây tháng sáu, chợt nghĩ miên man về địa lý Việt Nam chạy dài theo hướng Bắc Nam với nhiều tiểu khí hậu khác nhau, đã cho ta thừa hưởng vô vàn loại trái cây mà có lẽ ít nước trên thế giới với cùng diện tích nhỏ như nước ta có được.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, mừng cho hai miền trong một mâm quả ngọt.

Hình trên đây ,có mận Tam hoa Bắc Hà, nectarine, xoài Tuy Hòa, vải Bắc Giang, măng cụt Khánh Vĩnh

HA&H từ Việt Nam gửi sang

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :